Tự Long làm việc tại Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần từ năm 1999, đến năm 2005 anh chính thức khoác áo lính. Hiện anh đang là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội.
10 năm trong quân đội, anh bảo anh rất trân trọng màu áo lính và luôn tự hào vì mình vừa là một người nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ. Được biểu diễn cho các chiến sĩ mọi miền của Tổ quốc cũng là niềm vui của anh.
Mỗi năm Nhà hát Chèo quân đội, nơi Tự Long công tác, đều thực hiện một chuyến lưu duyễn xuyên Việt phục vụ các quân khu, quân đoàn, đồng bào miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam. Mỗi chuyến đi với Tự Long đều là những kỉ niệm. Nhưng có lẽ chuyến đi diễn anh nhớ nhất là chuyến đi Trường Sa vào năm 2009.
“Kỉ niệm nhớ nhất là khi bước chân lên đảo Trường Sa năm 2009. Sau hành trình kéo dài 13 ngày. Đó là một chuyến lưu diễn hào hùng, lắng đọng nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi. Không gì có thể tả được mà chỉ có thể trải nghiệm, mới hiểu được hết” - Tự Long nhớ lại.
Theo nghệ sĩ Tự Long, có đi diễn ở những đảo xa mới thấy được sự hy sinh của các chiến sỹ hải đảo. Anh kể tiếp:
“Sau ba ngày lênh đênh trên biển, đoàn chúng tôi thả neo ngoài đảo Song Tử Tây, điểm đầu tiên hành trình đến thăm. Vừa đặt chân lên đảo, một chiến sĩ nói: “Em rất bất ngờ và cảm thấy hạnh phúc khi anh là đồng đội của em”. Trước đây họ cứ nghĩ mình là người của truyền hình, của một đoàn nghệ thuật khác. Đó là cảm giác rất dễ gần, rất lạ của lính đảo.
Bộ đội Hải quân tuần tra canh biển |
Lên đảo Len Đao, khi biểu diễn, các bạn lính trẻ yêu cầu tôi hát Chiếc khăn gió ấm của Khánh Phương. Bài hát ấy tôi chỉ biết chứ không thuộc.
Tôi đành bảo: “Thôi bây giờ anh không thuộc bài đấy, chỉ có cách, em hát tặng anh bài đấy, anh sẽ tặng em một bài khác”. Vậy là các chiến sĩ trẻ đồng ý.
Khi đến thăm và bơm nước cho một tàu làm nhiệm vụ xây dựng đảo, thấy cán bộ, chiến sĩ tàu bên kia tóc dựng ngược như vuốt keo, tôi tò mò chạy sang bảo: Ở Trường Sa mà điệu đà thế! Nhưng khi sờ lên đầu thấy tóc cứng như rễ tre. Các đồng chí bảo nước ngọt ở đây được tiết kiệm tối đa nên phải gội đầu bằng nước biển thành ra tóc dựng ngược.
Lúc trên đảo Sơn Ca, 21 giờ 30 các chiến sĩ trẻ còn gọi tôi cùng mọi người xuống phòng. Xuống đến nơi, rất vui khi có năm đèn pin bật lên, dưới có bát ốc làm từ chiều và bát gì đó. Khi ăn vào thì nó giống như cao su. Hỏi ra là vòi bạch tuộc. Con bạch tuộc cắt ra phơi khô và bây giờ mới nướng cho chúng tôi ăn.
Vừa ăn vừa cười, tuy dai như cao su nhưng cảm giác thật lạ(cười). Hay khi đến Đảo Song Tử, sau khi diễn xong, đồng chí quân y mời mọi người xuống dưới phòng ăn gà. Thịt gà già ăn dai, không kém con bạch tuộc. Cuối cùng phải cho vào ninh cháo.
Ở đảo Sinh Tồn Đông nuôi rất nhiều chó, chó trên đảo rất hiền. Nửa đầu chương trình mọi người hát chả sao, đến nửa chương trình sau đến tiết mục diễn của tôi vừa bật micrô chạy ra nói được một câu thì gần 20 con chó nằm hai bên đầu hồi đồng loạt sủa. Cả người diễn và bộ đội không nín được cười. Tôi đứng liệt vị trên sân khấu không diễn được (cười)”.
Tự Long vô cùng bất ngờ khi những con chó nuôi trên đảo Sinh Tồn Đông đều được đặt tên theo tên các nghệ sĩ. Con tên là Vân Dung, Quang Thắng, Công Lý… Tôi hỏi: Có Xuân Bắc không? Các chiến sĩ trẻ trả lời: Có đấy và hôm nay anh về thì có con Tự Long nữa. Đó là những kỉ niệm rất vui.
Trong chuyến đi ấy, Tự Long còn sáng tác được 6 bài thơ vui tặng các chiến sĩ. Một trong 6 bài thơ Tự Long làm là về anh trưởng tàu HQ 936, tên Sửu: Anh Sửu, tàu trưởng HQ936 trông lì như trâu Bình thường chẳng gặp anh đâu Chỉ nghe anh nói trên đầu cái loa...