(GD&TĐ) - Với ngành Y, không có vinh dự nào hơn là được chính bệnh nhân khám chữa bệnh tin tưởng, phó thác số phận của mình. Tuy nhiên, cả một bộ quy tắc về ứng xử y tế hàng chục trang, bao nhiêu hội nghị, hội thảo về y đức, về “nói không với phong bì”, vẫn không thể nào chấm dứt được dư luận xã hội về những tệ nạn tiêu cực trong ngành y tế, gây mất niềm tin đối với người bệnh. Phải chăng, việc hình thành Y đức trong ngành Y phải bắt đầu từ một nền tảng vững bền, mà chỉ môi trường giáo dục mới có thể tạo dựng được? Báo Giáo dục &Thời đại đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư - Bác sĩ Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế).
Thưa giáo sư, trong khi không khí tuyển sinh chung đang nóng lên, thì bên trong cánh cổng trường ĐH Y Dược lại có vẻ bình lặng. Phải chăng đó là do tâm lý “nhất Y, nhì Dược” từ bao đời nay?
- Chúng tôi không có khái niệm về sự nhất hay nhì, mặc dù trong thực tế nhiều năm qua, tại Đại học Huế, điểm đầu vào cao nhất vẫn là trường Đại học Y Dược. Đằng sau vẻ bình lặng mỗi mùa tuyển sinh, chúng tôi trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để ngày càng có nhiều sinh viên tốt vào trường. Nói sinh viên tốt ở đây không có nghĩa chỉ là sinh viên có điểm số cao mà cần những sinh viên không chỉ có kiến thức văn hóa mà còn phải có tố chất nghề nghiệp, giống như là định mệnh có sẵn vậy.
Tố chất nghề nghiệp giống như định mệnh có sẵn? Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Giáo sư Cao Ngọc Thành |
- Đào tạo Y khoa là đào tạo mang tính đặc thù. Tất nhiên là ngành nào thì cũng phải đào tạo mang tính cơ bản, nhưng về đặc thù lại không giống nhau. Đào tạo Y khoa là đào tạo ra con người sẽ phải thực hành những điều đã học trên con người. Điều này bắt buộc phải có sự đòi hỏi cao ở sinh viên Y khoa.
Tố chất đầu tiên theo tôi, mỗi một sinh viên khi chọn ngành Y cần phải có, không phải ở kiến thức văn hóa mà là lòng yêu thương con người, cùng đó phải xác định được bản chất nghề nghiệp, hiểu về ngành Y. Một bác sĩ giỏi trước hết là phải yêu thương con người. Khi bác sĩ tác nghiệp, bản thân người bệnh không biết những thao tác đó, chỉ có bác sỹ biết đúng hay sai. Người bệnh được hưởng lợi từ chính ý thức trách nhiệm của bác sỹ.
Có thể dẫn chứng như thế này: Một bác sỹ tồi vẫn cắt được ruột thừa. Có 2 bệnh nhân cùng vào bệnh viện cắt ruột thừa, một bệnh nhân gặp được bác sĩ tốt còn một bệnh nhân gặp phải bác sỹ chưa tốt; tuy nhiên cả hai đều cảm ơn bác sỹ như nhau. Vì vậy, điều quan trọng mà mỗi người chọn ngành Y cần phải xác định là sự chuẩn xác về tư duy, nếu làm sai sẽ để lại hậu quả xấu.
Vậy làm thế nào để chọn lựa và đào tạo được những sinh viên vào trường hội đủ 2 tố chất cần thiết nêu trên, thưa ông?
- Lòng nhân ái, tình yêu thương con người có phần thuộc về “thiên bẩm”, được hấp thụ từ gia đình và môi trường nhà trường, xã hội mà hình thành nên nhân cách. Tôi không tin một con người được sinh ra và lớn lên từ một gia đình tốt, được sự giáo dục chu đáo, cẩn thận lại thiếu nhân cách. Tất nhiên không phải ai cũng tốt hết cả, cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng giá trị đạo đức tiềm ẩn trong mỗi con người thì ai cũng có. Đào tạo bác sĩ là phải làm cho sinh viên bộc lộ được lòng nhân ái. Tình yêu thương con người thôi thúc sinh viên nỗ lực tìm tòi, tích lũy kiến thức một cách chân chính.
Từ đặc thù nghề nghiệp, có khi nào ông nghĩ đến việc cải tiến khâu tuyển sinh, chọn lựa đầu vào các trường Y Dược?
- Điều đáng lo ngại cho những ngành đào tạo Y khoa hiện nay là lấy điểm số làm thước đo năng lực. Tôi cho rằng, sinh viên vào ngành Y không cần điểm cao lắm cũng vẫn học được, vì đa phần là khoa học ứng dụng. Có thể dùng những trắc nghiệm để đánh giá tố chất cần phải có của một sinh viên y khoa. Quy chế hiện nay chưa cho phép, vẫn phải tuân thủ theo cách lấy điểm số, nhưng tôi nghĩ nên chăng là phải thay đổi. Ngay cả một số nước áp dụng hình thức xét tuyển, không tổ chức thi nhưng riêng với ngành Y họ cũng vẫn tổ chức. Hay như ở Ý, chỉ có 2 ngành phải thi là Y khoa và Kiến trúc, ngoài đề thi để đánh giá kiến thức, có đề thi với những câu hỏi trắc nghiệm được tính nhân văn, sự hiểu biết nghề nghiệp.
Sẽ tới lúc phải làm một cuộc cách mạng trong đào tạo Y khoa. Sinh viên Y khoa phải được học về con người, phải yêu quý, trân trọng bệnh nhân và không thể điều trị sai. Ngay cả việc ghi trên phiếu đánh giá bệnh nhân, các bác sỹ của bệnh viện trường cũng phải ghi đúng, thận trọng vì đó là bài học cho các sinh viên. Sinh viên được đào tạo tất cả các chuẩn kỹ năng trên cơ thể bệnh nhân. Thực tế ở các bệnh viện, khoảng thời gian trao đổi giữa thầy thuốc và bệnh nhân rất ít nên nhà trường cần phải tập cho sinh viên tiếp xúc với bệnh nhân, từ biết ứng xử đầu tiên của người thầy thuốc với bệnh nhân là gì đến dạy cho người thầy thuốc trưởng thành.
Thưa ông, để ứng dụng những “chuẩn” này vào thực tiễn có lẽ không đơn giản...
- Đúng vậy. Đào tạo Y khoa hiện tại đang đứng trước thách thức rất lớn của mặt trái cơ chế thị trường. Người thầy thuốc nào khi mới vào nghề cũng đều mong muốn làm những điều tốt cho bệnh nhân. Song những tác động của môi trường xung quanh như bệnh viện quá tải, bệnh nhân đông và sự cám dỗ về lợi nhuận kinh tế ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ dần dần làm bản thân người thầy thuốc thay đổi; có những điều buộc phải thay đổi và lại có những điều dẫu không muốn nhưng lặp lại đi lặp lại dần dần cũng làm người thầy thuốc thay đổi cả về quan niệm và hành vi.
Trong khi đó thì các sinh viên vào một môi trường đào tạo, ban đầu như một tờ giấy trắng, nếu môi trường không trong sáng, tờ giấy trắng rất dễ bị hoen ố. Như tôi vừa nói về vấn đề đào tạo sinh viên Y khoa ở trên, nếu không tạo dựng một môi trường chuẩn cả về đạo đức, kiến thức và kỹ năng thì khó mà tạo nên hiệu quả như ý muốn.
Sinh viên Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) trang bị các kỹ năng mềm để trở thành bác sĩ tài năng và đức độ trong tương lai |
Giáo sư tham gia lĩnh vực đào tạo nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về nền giáo dục của chúng ta?
- Cũng khó để đánh giá nền giáo dục Việt Nam mình, vì giáo dục rất phong phú, đa dạng, có khía cạnh này, khía cạnh khác, phải nhìn một cách bao quát, có sự thấu hiểu thì mới không rơi vào những đánh giá phiến diện, cực đoan. Bên cạnh những mặt còn chưa tốt, giáo dục đã làm được rất nhiều việc, đóng vai trò quyết định trong đào tạo nguồn nhân lực của đất nước.
Vậy theo ông điều đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay là gì?
- Là sự suy thoái của văn hóa, nhất là ở lớp trẻ. Chẳng hạn mới đây, báo chí phản ánh hành động phản cảm, thiếu văn hóa của một cô gái đã tự tin tạo dáng trên mộ liệt sĩ để cho người yêu chụp ảnh, sau đó còn post ảnh lên mạng. Ta không ngại thiếu tiền nhưng lại ngại, lại lo về cái sự thiếu văn hóa. Đấy chỉ là một trong muôn vàn biểu hiện thiếu văn hóa hàng ngày xảy ra ở chốn công cộng. Văn hóa không tốn tiền để mua, 38 năm sau ngày giải phóng đất nước - một thời gian quá dài, vậy mà tại Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch lại không làm được mà cứ đổ lỗi cho xã hội thế này, thế khác.
Tôi cho rằng giáo dục văn hóa cho con người hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, cơ bản nhất. Chẳng hạn, một hành vi như khi bước vào chốn công cộng, người ta đang ngồi yên lặng mà mình lại đi mạnh, nói to; đang ăn uống mà lại cười nói ồn ào, cũng cần phải được nhắc nhở, chấn chỉnh ngay.
Xin cảm ơn ông!
Theo tôi là nhà trường không cần phải giáo dục quá nhiều, mà điều cốt lõi là phải tạo nên con người biết tự trọng bản thân, biết tự hào về nguồn cội, về những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đất nước mình. Phải biết thao thức, biết xấu hổ; ăn một chén cơm biết điều gì mang lại chén cơm đó. |
Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)