Từ đất liền hướng về đảo nhỏ

GD&TĐ - Cô Đặng Nguyệt Nga - Giáo viên Trường Mầm non Nam Lợi (xã Nam Lợi, Nam Trực, Nam Định) là đại diện tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi chồng của cô là Thượng úy Trần Xuân Hiện đang đóng quân tại đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa). Một mình nuôi dạy con nhỏ ốm đau luôn, nhưng cô vẫn nỗ lực hết mình nuôi dạy các cháu học sinh.

Từ đất liền hướng về đảo nhỏ

Trong trái tim có nhịp đập của Trường Sa

Sinh ra và lớn lên tại xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, được nuôi dưỡng trong một gia đình hiếu học, từ nhỏ Đặng Nguyệt Nga đã sớm có tình yêu nghề giáo viên.

Tốt nghiệp ngành học mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, năm 2002 Nguyệt Nga được tuyển làm giáo viên mầm non.

Duyên trời đưa lối trong một buổi giao lưu văn nghệ của xã, có một anh bộ đội xung phong lên hát nhưng bài hát lại yêu cầu phải có đôi, tìm mãi không ra người, “chính quyền” xã liền chỉ định cô giáo lên hát cùng.

Ông tơ bà mối xe duyên, kể từ đêm đó, những cánh thư từ đất liền gửi ra Trường Sa và ngược lại, cô giáo và chú bộ đội “bị chỉ định” hát đôi năm nào nay đã là người một nhà.

Sau khi lấy chồng lại là bộ đội đóng quân ở đảo Trường Sa, hết Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và giờ là Sơn Ca đang giữ chân anh. Đảo xa cách biệt, phải từ 1,5 - 2 năm mới được về thăm nhà. Cô giáo Nga một mình ở nhà nuôi con nhỏ, ốm đau triền miên, trường lại cách xa nhà nên rất vất vả.

Thông cảm với hoàn cảnh của cô giáo, năm 2011 cô được chuyển trường về Trường Mầm non Nam Lợi gần nhà cho tiện chăm con, chăm sóc bố mẹ già.

Đứa con lớn của cô không may mắc bệnh tim bẩm sinh nay ốm mai đau, năm nào 2 mẹ con cũng dìu dắt nhau lên viện mấy lần, cháu nhỏ cũng gầy còm ốm yếu, ông bà nội là nông dân lớn tuổi nhưng vẫn phải trợ giúp thêm cho con dâu chăm sóc con cái, gia đình.

Cô bồi hồi nhớ lại: Các cháu sinh ra đều một năm rưỡi mới biết mặt bố, về được ít bữa bố cháu lại phải đi làm nhiệm vụ ngay. Bố đi công tác xa, các cháu lớn lên trong vòng tay mẹ nên thiếu thốn tình cảm của bố.

Cháu nhỏ đã lên 3 tuổi chỉ được gặp bố có 1 lần ngày cháu còn ẵm ngửa, vợ chồng con cái chỉ gặp nhau qua chiếc điện thoại, ngoài đó các anh chỉ dùng điện thoại nghe gọi được thôi nên các cháu chỉ nghe được tiếng chứ không thấy được mặt bố.

Nhiều lúc các bác hỏi vui bố đi đâu, cháu nhỏ trả lời rất hồn nhiên: Bố con trong điện thoại! Tôi luôn cố gắng vừa làm tròn bổn phận của người mẹ, vừa làm tròn bổn phận của người cha để các con đỡ thiệt thòi, chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Động lực để lao động và cống hiến

“Ngày sinh cháu bé không có chồng bên cạnh, rồi những ngày con đi bệnh viện mổ tim lại một mình lo giấy tờ, chạy vạy tiền. Hè vừa rồi cháu Hiệp đã được chương trình Trái tim cho em tài trợ để mổ tim, 1 tuần liền tôi trắng đêm trông con, lúc chạy ra cửa viện chỉ là để lấy suất cơm từ thiện.

Vì con đau yếu, thuốc thang nhiều nên đến nay vợ chồng tôi chưa thể tiết kiệm để xây nhà riêng được mà vẫn sống chung với ông bà nội trong căn nhà cấp 4, 3 gian suốt 11 năm qua. Những ngày này, ước gì chồng ở nhà giúp mình đỡ cực, con đỡ thiệt thòi.

Nhưng nghĩ lại chồng vì nhiệm vụ, phải đi xa, tôi lại bình tâm trở lại. Ở nhà tuy rất vất vả nhưng tôi không 1 lần kêu ca phàn nàn với chồng, mà luôn động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Cô Nga tâm sự.

Biến cách biệt đất liền và đảo xa thành động lực phấn đấu, tình cảm của cô Nga không chỉ cho gia đình mà còn cho các cháu học sinh. Không kể nắng mưa, sớm muộn, cô tận tình chăm sóc, nuôi dạy, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Cô cũng luôn cố gắng tìm tòi và học hỏi để có những giờ học tốt lôi cuốn trẻ, dạy cho trẻ tích cực, tận dụng các vật liệu có sẵn ở địa phương làm đồ dùng đồ chơi tự tạo cho trẻ. Ngày lại ngày, thời gian biểu ở nhà và ở trường của cô giáo kín mít, công việc mỗi ngày chỉ kết thúc vào giờ soạn bài vào lúc nửa đêm.

Các cháu do tôi phụ trách là những cháu còn rất nhỏ, ngày bắt đầu đến lớp, tôi đưa tay đón cháu cũng là ngày đầu tiên các con phải xa nhà, xa vòng tay yêu thương của cha mẹ, phần lớn các cháu rất lo lắng, sợ sệt sinh ra quấy khóc, hiểu được tâm lý các con nên tôi luôn yêu thương, chăm sóc, vỗ về các con bằng tình thương của người mẹ, vì thế chỉ vài ngày sau các con đến với tôi đã vui vẻ hơn, yên tâm hơn.

Các con đã coi trường lớp như mái nhà của mình, cô giáo như mẹ hiền, rồi Chủ nhật cũng đòi đến lớp với cô giáo, vì vậy phụ huynh rất yên tâm khi gửi con cho tôi – Cô Nga vui vẻ chia sẻ.

Nhận xét về giáo viên của mình, cô Vũ Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Lợi - cho biết: Nga là một giáo viên nhân hậu và giàu nghị lực. Gia cảnh khó khăn nhưng tình yêu nghề của cô thật vô cùng lớn.

Gặp những em học sinh không may bố mẹ xa nhau, không bố hoặc bố mẹ bệnh tật hiểm nghèo… thiếu tiền học phí nhưng cô đều sẵn sàng giúp đỡ các em tiền học, tiền ăn trong khi nhà mình cũng không dư giả gì. Bận rộn với gia đình, con cái và học sinh, nhưng cô luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ, kiến thức để nuôi dạy các cháu học sinh tốt nhất.

Tình yêu nghề của cô Nguyệt Nga đã khiến cô dành được nhiều thành tích như: Danh hiệu giáo viên giỏi năm học 2008 - 2009; Danh hiệu giáo viên giỏi năm học 2014 - 2015; Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm học 2014 - 2015.                                                                                                                                                                 Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, cô giáo đã được chọn vào danh sách giáo viên tiêu biểu xuất sắc, được tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Cô được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen, được vinh danh tại Quốc Tử Giám và tham dự chương trình “Thay lời tri ân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ