Từ chối nhận quà…

GD&TĐ - Ngày đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định gồm 11 chương, 89 điều, có hiệu lực từ ngày 15/8. Nghị định quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Điều 25), và “Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng” (Điều 26)...

Có thể khẳng định rằng, việc tặng và nhận quà từ lâu đã rất phổ biến ở nước ta, thậm chí còn trở thành nét đẹp, là văn hóa thấm đẫm tình cảm, sự tôn trọng, hiếu đễ, tỏ rõ lòng biết ơn đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội khi có những dịp cụ thể.

Tuy nhiên, cũng từ lâu việc tặng và nhận quà bị lợi dụng, biến tướng, trở thành những sự mặc cả, mua bán, đổi chác, từ việc xin học cho con, ốm đau phải vào bệnh viện, xin đến “lót tay” để trúng thầu các dự án, chương trình hay mua quan, bán chức… Thậm chí, không những không biết từ chối quà tặng không đúng, việc tặng quà còn bị gợi ý, như sự bắt buộc phải thực hiện nếu người dân, doanh nghiệp, cấp dưới muốn “được việc”, dù đấy là những việc nghiễm nhiên thuộc thẩm quyền mà những người có chức vụ, quyền hạn phải thực thi…

Đó rõ ràng là những mặt trái, vùng tối cần thiết phải ngăn chặn kịp thời, để tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí không có đất để lộng hành, tàn phá sự công bằng, tôn nghiêm trong xã hội!

Quy định rõ ràng, chi tiết về việc người có chức vụ, quyền hạn nhận được quà tặng, từ chối nhận quà tặng trong Nghị định số 59 là cơ sở để chúng ta mạnh mẽ tin rằng, việc phòng, chống tham nhũng sẽ đi vào thực chất hơn, sẽ được tiến hành một cách quyết liệt hơn, đồng thời sẽ không có vùng cấm nào được thiết lập, nhất là khi công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được tiến hành cẩn trọng, chắc chắn, tạo sức răn đe, cảnh báo tốt, được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ.

Chắc chắn, Nghị định số 59 sẽ là “cây gậy” pháp lý đủ đầy sức mạnh, quyền lực để ngăn chặn, phòng ngừa, dẹp bỏ nạn tham nhũng vốn đã ăn sâu bám rễ vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Nghị định sẽ là “phương thuốc” đặc trị hữu hiệu căn bệnh nan y mang tên tham nhũng, vốn đã tàn phá đất nước suốt bao năm qua, gây ra biết bao hậu quả trên nhiều lĩnh vực, làm xói mòn niềm tin vào sự trong sạch, công bằng, nghiêm minh của các cơ quan công quyền…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.