Từ Bản làng đến Thị trường: Nâng quyền cho Phụ nữ Dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Đó là tên của trưng bày và tọa đàm do Dự án thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) được tài trợ bởi Chính phủ Australia tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Tọa đàm tại sự kiện.
Tọa đàm tại sự kiện.

Sự kiện đề cập đến các thách thức và cơ hội để cải thiện việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam và nhằm mục đích nâng quyền cho phụ nữ địa phương để tham gia tích cực vào thị trường nông nghiệp và du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La.  

Đại diện từ các đối tác doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước và phụ nữ dân tộc thiểu số đã tham gia chia sẻ câu chuyện của họ về những rào cản đối với phụ nữ dân tộc thiểu số khi tham gia vào các thị trường nông nghiệp và dịch vụ như thế nào và làm thế nào để các doanh nghiệp thu hút sự tham gia của phụ nữ vào chuỗi cung ứng của họ và các thị trường giá trị cao.

Sự kiện cũng nhấn mạnh rằng giải quyết các vấn đề nâng quyền kinh tế cho phụ nữ không chỉ là vấn đề tăng thu nhập mà còn là hỗ trợ phụ nữ cải thiện quyền tự ra quyết định trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp mình, ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc công ty cổ phần Vinfarm, doanh nghiệp trên địa bàn Mộc Châu cho biết: Trước khi có dự án của GREAT chúng tôi thu mua rau nhưng hiện  nay chúng tôi có những lớp nâng cao kỹ thuật, ngôn ngữ cho các nhóm tham gia.

Một trong những gian hàng trưng bày sản phẩm của phụ nữ dân tộc do GREAT tài trợ.
Một trong những gian hàng trưng bày sản phẩm của phụ nữ dân tộc do GREAT tài trợ. 

Trước có liên kết với các hộ nông dân nhưng họ không theo cam kết, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, đầu tiên chính từ tiếp cận ngôn ngữ. Để đạt mục tiêu của GREAT chúng tôi phải vào vùng sâu, vùng xa, tiếp cận những người có uy tín trong bản, tìm người giỏi tiếng đồng bào và tìm những người có năng lực để làm trước. Sau nhiều lần hợp tác, chúng tôi rút ra kinh nghiệm rằng không thể đặt mục tiêu cao mà phải thận trọng, làm từng bước chứ nếu làm không được đồng bào rất dễ nản..

Trong khi đó, trưng bày là cơ hội để các đối tác của GREAT giới thiệu các sản phẩm của họ tại khu trưng bày các gian hàng. 14 đối tác của GREAT bao gồm các ngành hàng khác nhau như thổ cẩm, chè, rau, gia vị, dược liệu, trái cây, hoa và du lịch cộng đồng đã nhận được những phản hồi rất tích cực về các sản phẩm trưng bày…

Du khách tham quan gian hàng.
Du khách tham quan gian hàng. 

Tham gia sự kiện, chị Vàng Thị Sế, nông dân trồng rau hợp tác xã Mai Anh, người H’mông rất khó khăn khi nói tiếng Kinh. Chị phải có người phiên dịch. Chị chia sẻ rằng, “Trước đây chị trồng lúa 1 năm được 1 vụ nhưng hiện nay qua dự án của GREAT chị  trồng rau 1 năm được 3 vụ. Làm 3 vụ không có thời gian đi làm thuê nhưng trồng rau đỡ vất hơn đi làm thuê, thu nhập lại cao hơn.

Trong khi thăm quan các gian hàng, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie nhấn mạnh rằng nâng quyền kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chương trình viện trợ Australia tại Việt Nam.

“Các đối tác trưng bày sản phẩm của họ ngày hôm nay chỉ là một phần trong những hoạt động của GREAT đang thực hiện. Tôi rất vui khi có cơ hội được trao đổi với các doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc làm chủ cũng như các doanh nghiệp lớn đang tích cực hỗ trợ kết nối những nông dân là phụ nữ dân tộc thiểu số với thị trường tiêu thụ trên thế giới.”, bà Đại sứ Mudie phát biểu.

Dự án GREAT kì vọng sẽ hỗ trợ được khoảng 40.000 phụ nữ tăng thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh.

Trong 12 tháng qua, GREAT đã đạt được một số thành công ban đầu bao gồm: 11.000 phụ nữ giờ đây có kiến thức và kỹ năng mới về nông nghiệp, chế biến, du lịch và kinh doanh; có nhiều hoạt động về đổi mới sáng tạo như người dân được tiếp cận các giống cây trồng mới và các hợp tác xã địa phương đã được kết nối với các nhà bán lẻ lớn như siêu thi Big C.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ