Giờ đây, con người giàu nghị lực và ý chí kiên trì vượt khó đáng khâm phục ấy đã là Hiệu trưởng Trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) Ánh Sáng, do chính ông gây dựng ở TP Hồ Chí Minh…
Một chặng đời thác ghềnh
Ông là Đặng Văn Sáng, sinh năm 1971 tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Để có được thành công như ngày hôm nay, con đường ông đi quá nhiều thác ghềnh.
Bố mẹ là nông dân, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên trong 9 anh chị em chỉ mỗi ông được học hết THPT. Nhưng rồi ông cũng phải dừng giấc mơ học hành lên đường nhập ngũ (năm 1990) với xác định "việc học là vô bờ, hãy cứ học trường đời trước, khi có điều kiện thì thi vào học kiến thức".
Ba năm trong quân ngũ đã trang bị cho Đặng Văn Sáng tính kỷ luật, tinh thần tập thể, sự nền nếp và trách nhiệm trong công việc. Sau này nhìn lại ông càng thấm thía và luôn trân trọng quãng thời gian quý báu đó, bởi "đó là những bước tiến gần hơn đến với tương lai".
Sau khi xuất ngũ năm 1993, hai bàn tay trắng với xác định "để đi tiếp thì cần phải có cái ăn cái mặc", ông khăn gói vào Đồng Nai làm phụ hồ. Được một thời gian, ông lên TP Hồ Chí Minh đăng ký học trung cấp tại chức.
Với nghề lái xe được học khi tại ngũ, ông vừa học, vừa lái xe thuê, làm phụ hồ, chạy bàn, làm tiếp thị…, không nề hà bất cứ việc gì để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và học tập. Khi cuộc sống tạm ổn, ông đăng ký học ĐH tại chức ngành quản trị kinh doanh - ngoại thương.
Cứ như thế, ông vừa làm vừa học. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu đi dạy trung cấp, hướng dẫn thực hành ngành kế toán, đồng thời học tiếp ĐH văn bằng hai về kế toán kiểm toán rồi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và lập nên Trường TCCN Ánh Sáng (năm 2007) để gắn bó suốt đời với ngành giáo dục.
"Nếu làm ở các trường công thì đến tuổi nghỉ hưu là hết, còn mở trường tư thì có thể cống hiến đến trọn đời", ông quan niệm.
Đau đáu một tư duy giáo dục
Ấn tượng về Đặng Văn Sáng không chỉ dừng ở sự vượt khó. Không nhiều người từng học chương trình kế toán trên Excel biết cuốn sách "Thực hành kế toán trên excel" mà các trường học trên toàn quốc áp dụng hiện nay do chính ông biên soạn.
Cuốn sách ra đời năm 2004, dày hơn 700 trang và đến nay đã tái bản lần thứ 11, trở thành chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT, đáp ứng 100% chương trình học kế toán.
Để có được cuốn sách chuẩn mực như trên, ông đã phải ấp ủ từ khi học xong hệ trung cấp từ năm 1995 cho đến khi đi dạy chuyên ngành đào tạo kế toán.
"Trong quá trình học và dạy chuyên ngành kế toán, tôi đúc rút tất cả các kinh nghiệm và ghi chép cẩn thận trong những cuốn sổ. Sau khi học xong ĐH, tôi nghĩ tại sao không viết lại một cách logic, khoa học để người khác có thể dễ đọc và dễ hiểu".
5 năm ấp ủ, đúc rút rồi ròng rã suốt 4 năm trời biên soạn tới 2004 cuốn sách hoàn thành.
Và cũng cách rút tỉa sau bao thăng trầm cuộc đời như vậy, ông chiêm nghiệm rằng "Kiến thức thì vô hạn, người học sinh ngoài việc học từ sách vở, từ thầy cô hay bạn bè thì cần học nhiều từ thực tế cuộc sống.
Nhà trường, thầy cô chỉ truyền đạt cho học sinh 30% còn năng lực thực tế quyết định 70%, nghĩa là quá trình tự học hỏi, có hoài bão, có đam mê vẫn là yếu tố quyết định".
Cũng theo Ths Đặng Văn Sáng, quan niệm của đa số người miền Bắc vẫn cho rằng con em vào ĐH chính quy là hướng phát triển sự nghiệp tốt nhất.
"Đây là cách nhìn không còn phù hợp với thời đại hiện nay, nhất là ở phía Nam không nhất thiết phải vào trường công mà học trường nào cũng được miễn là khi ra trường phát huy được năng lực và có ích với xã hội.
Trước thực trạng đạo đức giáo dục đang phải đặt dấu hỏi lớn, Ths Đặng Văn Sáng cho rằng, không thể nhìn một vài sự việc mà vội sớm kết luận cả một nền giáo dục có truyền thống bề dày ngàn đời nay của cha ông ta, bởi đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", thời nào cũng có.
Tuy nhiên cũng cần phải đưa ra phương pháp giáo dục đúng cách. Cụ thể, người thầy phải luôn là một tấm gương để học sinh noi theo, còn về phía trò phải luôn thực hiện tốt nội quy nhà trường và thể hiện đạo đức của một người học trò.
Và trên hết vẫn là sự giáo dục đúng cách từ phía gia đình trong việc nuôi dạy các em nên người.