(GD&TĐ) - Dùng phòng học của Trung tâm để cho thuê buôn bán sách và giầy dép; việc chi tiền tăng thu nhập bất hợp lý và vi phạm chế độ ngày công, giờ làm việc v.v…Đó là những bức xúc được bạn đọc phản ánh trong đơn thư tố cáo những việc làm sai trái của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (TTGDTX) Hà Tây – Hà Nội.
Dùng phòng học để cho thuê buôn bán sách và giầy dép
Theo đơn thư phản ánh: TTGDTX Hà Tây – Hà Nội hiện rất chật hẹp, thiếu phòng học và phòng làm việc. Riêng đối với học viên hệ từ xa, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, Trung tâm phải đi thuê phòng học. Vậy mà lãnh đạo Trung tâm vẫn ngang nhiên cho thuê hai phòng làm việc để bán sách và giầy dép.
Vào cuối năm 2007, Giám đốc Trung tâm Phạm Hữu Hùng đã đồng ý lấy 01 phòng học để cho thuê bán sách. Đến năm 2010 khi học sinh bổ túc nghỉ hè, ông lại biến nốt căn phòng làm việc mặt đường Bùi Bằng Đoàn để cho thuê buôn bán giầy dép với số tiền gần chục triệu đồng một tháng. Liên quan đến vấn đề này, tại các cuộc họp của cơ quan, đã có nhiều ý kiến chất vấn, song ông Hùng đều phớt lờ. Điều mà nhiều người lo ngại và đặt câu hỏi là: Liệu số tiền cho thuê lên đến vài trăm triệu đồng một năm đó có được nhập vào quỹ của cơ quan hay không?
Phòng làm việc của Công đoàn TTGDTX Hà Tây – Hà Nội mặt đường Bùi Bằng Đoàn (ki ốt ngoài cùng góc bên phải) đã được treo biển bán giầy dép các loại. |
Xung quanh những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phạm Hữu Hùng – Giám đốc TTGDTX Hà Tây – Hà Nội. Ông Hùng khẳng định: “Không có chuyện dùng phòng học để cho thuê buôn bán sách và giầy dép các loại”.
Giải thích về việc tại sao lại có ki ốt bán sách, ông Hùng trả lời không nhất quán. Ban đầu ông nói: “Ki ốt bày bán sách chính là kho để chứa sách của Công ty sách Thiết bị trường học Hà Tây trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Tây cũ”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Ông có thể khẳng định là ki ốt bán sách chắc chắn không phải của Trung tâm quản lý hay không? Ông Hùng lại lúng túng trả lời: “Là của Trung tâm nhưng mà cho công ty sách thiết bị trường học Hà Tây trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Tây cũ mượn để làm kho sách, song với điều kiện là: Nếu như Trung tâm phải đi thuê địa điểm thì công ty phải hỗ trợ kinh phí”. Điều này giải thích vì sao nhiều người dân khu vực này lại hay nói với nhau câu chuyện vui “thừa phòng thiếu lớp” ở TTGDTX Hà Tây.
Riêng đối với kiốt được bày bán giày dép, ông Hùng thừa nhận là thuộc sở hữu của Trung tâm. Ông cho biết: Trước đây là văn phòng làm việc của công đoàn. Sau đó Trung tâm giao cho Công đoàn phụ trách và chuyển đổi thành Văn phòng hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Song mâu thuẫn lại ở chỗ, hiện văn phòng không thực hiện chức năng trên mà đang được treo biển bày bán giầy dép các loại. Khi chúng tôi yêu cầu giải thích về vấn đề này, ông Hùng nói: “Cái này lại phải hỏi ông Công đoàn”. Như vậy, ngẫu nhiên “quả bóng” trách nhiệm đã được đá sang cho tổ chức Công đoàn, trong khi ông Hùng vẫn là Thủ trưởng đơn vị. Rất tiếc trong buổi làm việc chúng tôi không được gặp chủ tịch Công đoàn của Trung tâm, vì theo ông Hùng “hiện tại đồng chí chủ tịch Công đoàn không có mặt ở cơ quan”?!
Tiền tăng thu nhập và câu chuyện ăn chia...
Trong hoàn cảnh khó khăn, việc đảm bảo cho giáo viên có được một khoản tiền nho nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán luôn là bài toán khó và nan giải của hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Vậy mà ở TTGDTX Hà Tây, câu chuyện ăn chia tiền tăng thu nhập lại là một trong những bức xúc của giáo viên. Đơn cử như Tết Nhâm Thìn 2012, theo đơn thư phản ánh, đối với khoản tiền này, người cao nhất là ông Hùng được lĩnh với số tiền trên 120 triệu đồng, kế toán là bà Nguyễn Thị Oanh cũng lĩnh gần 100 triệu đồng và người thấp nhất là bà Vân Anh được hơn 2 triệu đồng. Song cũng theo đơn thư phản ánh: Việc chấm công không được thực hiện công bằng. Với những giáo viên không hề nghỉ ốm, không bỏ một tiết dạy nào, cả năm cũng chỉ được 100 đến 200 công. Theo đó số tiền tăng thu nhập của những giáo viên đó chỉ được nhận vài triệu đồng không bằng 1/50 của ông Hùng.
Giải thích về vấn đề này, ông Hùng cho biết: “Tất cả việc thu chi tài chính của đơn vị đều được thực hiện đúng nguyên tắc và đúng với quy chế chi tiêu nội bộ. Ai làm nhiều thì hưởng nhiều, còn ai làm ít thì tất nhiên phải hưởng ít”. Đặt câu hỏi: Tiền tăng thu nhập là gì? Liệu có phải là tiền làm thêm hay là tiền phúc lợi xã hội không? Và điều quan trọng là với số tiền chi lớn như vậy Trung tâm lấy từ nguồn thu nào để chi cho cán bộ, viên chức.? Ông Hùng giải thích: Toàn bộ nguồn thu của Trung tâm đều được thu theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp. Trong đó chủ yếu vẫn là thu học phí của học viên và một số khoản thu thỏa thuận.
Đặt giả thiết, nếu tiền tăng thu nhập là tiền làm thêm, Theo Điều 69 Bộ Luật lao động hiện hành quy định “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động”. Giả sử một người có mức lương 10 triệu đồng trên một tháng, và làm thêm đến 200 giờ trong một năm thì số tiền làm thêm trong năm đó nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng vài triệu đồng chứ không thể lên tới trên dưới 100 triệu đồng như ở TTGDTX Hà Tây – Hà Nội.
Những vấn đề nêu trên cho thấy sự mâu thuẫn trong cách giải thích của ông Hùng về vấn đề thu chi tài chính của TTGDTX Hà Tây – Hà Nội. Điều này liệu có hay không liên quan đến câu chuyện “thừa phòng thiếu lớp” ở Trung tâm? Song để có kết luận chính xác cuối cùng rất cần sự vào cuộc tích cực của Sở GD&ĐT Hà Nội cùng một số ngành chức năng liên quan. Và câu chuyện đúng sai như thế nào ở Trung tâm này, chúng tôi xin được để bạn đọc đánh giá, bình luận.
Sỹ Điền