Bộ phim kể về hành trình của một người thanh niên mới tốt nghiệp đại học và may mắn được vào làm tại Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam với bao kỳ vọng về một tương lai sáng lạn, bỗng nhiên phát hiện mình không thể đi lại được nữa do bị viêm tủy… Nhưng anh đã tìm cách vượt qua bệnh tật và thậm chí giúp được những người khuyết tật khác. Trong hành trình của mình, anh không cô đơn mà có các bạn trong nhóm “Niềm tin chiến thắng” cùng chia sẻ.
Cùng với Hôm nay em thế nào?, 3 bộ phim khác cũng được trình chiếu tại đây là Nhật ký mẹ và con, Thức dậy trên mái nhà, Trải nghiệm xe lăn. Đây là những tác phẩm đầu tay của các học viên tham gia khóa đào tạo Truyền thông thu hẹp khoảng cách - một sáng kiến của Trung tâm Nghị lực sống và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Dự án được triển khai từ tháng 5/2017 với 15 học viên khuyết tật. Mục tiêu của khóa học nhằm giúp các bạn khuyết tật có những kỹ năng truyền thông cơ bản, tự tạo những sản phẩm truyền thông để qua đó phản ánh góc nhìn và quan điểm của mình về những câu chuyện, vấn đề của chính cộng đồng mình cũng như thế giới xung quanh.
Sau một thời gian học tập, 4 bộ phim, video ngắn xuất sắc nhất đã được chính các bạn học viên lên ý tưởng và dàn dựng. Lễ tốt nghiệp là dịp để công bố những thành quả này như một cách ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tất cả mọi người suốt hành trình vừa qua. Những sản phẩm truyền thông này mang đến cho khán giả những cái nhìn mới mẻ hơn về cộng đồng người khuyết tật nói riêng và các vấn đề xã hội khác nói chung.
Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Akiko Fujii cho biết rất ấn tượng với các tác phẩm của học viên. Mỗi tác phẩm là một lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tiếp cận thông và tham gia của người khuyết tật vào công tác truyền thông.
Còn theo chị Thảo Vân, Chủ tịch hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, khóa học đã đạt được những mục tiêu ngoài mong đợi. “Sau khóa học có nhiều bạn đã nhận ra mình có năng khiếu hơn là mình nghĩ. Điều đó thật tuyệt vời vì chỉ từ một khóa học ngắn hạn mà giúp các bạn khám phá được bản thân mình một cách tích cực như vậy”, chị Thảo Vân chia sẻ. Học viên của khoa học Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Mỗi người có dấu ấn cá nhân riêng. Qua mỗi thước phim, người khuyết tật muốn kể về cuộc sống của mình dù có khó khăn, mệt mỏi nhưng đừng từ bỏ. Hãy luôn là mình, luôn chủ động với cuộc sống của mình.