“Truyện Kiều” thẩm thấu sâu, lan tỏa mạnh

Người trẻ đem "Truyện Kiều" ra thế giới

Mới đây, giới văn chương và những người yêu văn học cả nước bàn tán về một "cậu bé" vừa tròn 18 tuổi dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh. Thậm chí, nhiều người không tin "cậu bé" ấy tự mình dịch mà chỉ là một chiêu trò quảng cáo.

Tác giả bản dịch ấy chính là thi sĩ trẻ Nguyễn Bình (con trai nhà phê bình Nguyễn Hoà). 8 tuổi cậu bé Nguyễn Bình đã viết tiểu thuyết, 12 tuổi làm phim tư liệu - kinh dị - lịch sử. 18 tuổi bước vào con đường du học tại Hoa Kỳ cũng là thời điểm Nguyễn Bình công bố bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh.

"Tôi bắt đầu đọc các trích đoạn của Kiều hồi cấp 2. Tôi từng ghét Kiều, ghét thơ ca, nhưng đến một lúc cảm thấy cần những điều đó. Tôi đọc toàn bộ Kiều đầu lớp 10, và trong khoảng thời gian ấy, lúc bắt tay vào dịch tôi bắt đầu làm thơ. Tôi thử nghiệm với các thể thơ và đọc thơ bằng đủ các ngôn ngữ. Chính trong quá trình đọc ấy mà tôi nảy ra ý tưởng thử làm cầu nối?", Nguyễn Bình cho biết.

Từ đó, Bình thử dịch thơ T.S. Eliot, thơ Xuân Diệu, rồi dấn thân sâu hơn vào quá khứ, để rồi một ngày bắt đầu ảo tưởng mình dịch Kiều. Khi bắt tay vào dịch Kiều, Bình cố gắng truyền tải mọi thứ sang tiếng Anh theo cách riêng. Ý tưởng của Bình là dịch Kiều theo thể "anh hùng song cú" (heroic couplet) mà các nhà thơ trung đại Anh như Alexander Pope, John Dryden… đã sử dụng khi dịch sử thi Hy Lạp, La Mã sang tiếng Anh.

"Tôi mượn từ vựng của thơ ca Anh thế kỷ 18 để bảo tồn được ít nhiều vầng hào quang trung đại của Kiều. Dù tôi thích ý tưởng đó song không giới hạn các yếu tố thế kỉ 18 ở từ vựng, mà cả cú pháp, cả cách gieo vần", Nguyễn Bình chia sẻ.

Không chỉ có Nguyễn Bình, kỹ sư trẻ Huỳnh Minh Quân, 29 tuổi là cựu du học sinh ngành Điện - Điện tử tại Đại học Công nghệ Nanyan (NTU), hiện sống ở Singapore cũng ao ước đem Kiều ra thế giới. 

Trong thời gian rảnh vì đại dịch Covid-19, Quân đã ngồi khoảng 3 giờ và ngẫu hứng dịch đoạn thơ đầu tiên trong Truyện Kiều sang tiếng Anh nhưng vẫn giữ thể thơ truyền thống của Việt Nam là lục bát.

"Chỉ cần người biết tiếng Anh, am hiểu thơ ca tiếng Anh là tôi sẽ phấn khởi đưa họ xem qua bản dịch ngay. Vì xét cho cùng, bản thân Kiều thành kinh điển chẳng phải vì được hội đồng văn học của vua Tự Đức trao giải Cành chuối vàng, mà vì Kiều gần gũi với mọi người, được cả thường dân lẫn giới tri thức bao đời nay đọc và yêu quý". - Dịch giả trẻ Nguyễn Bình

Điều mà chính Quân cũng không ngờ là bạn bè quốc tế ngay lập tức đã biết đến Truyện Kiều qua những câu dịch ngắn ngủi. 

Nhà nghiên cứu Truyện Kiều người Mỹ - Tiến sĩ Jaipal Tuttle sau khi đọc phần dịch thơ sang tiếng Anh lục bát của Huỳnh Minh Quân đã thốt lên: "Phần dịch thơ rất tuyệt. Tôi hiểu rằng, để dịch được Truyện Kiều và vẫn giữ thể thơ lục bát thật sự là khó. Tôi rất hạnh phúc khi biết thêm một bạn trẻ yêu thích Truyện Kiều. Ở tuổi của bạn ấy, bạn ấy sẽ còn rất nhiều năm để học hỏi, nghiên cứu và biết đâu đấy, rất có thể một ngày bạn sẽ trở thành một chuyên gia thế giới về Truyện Kiều".

Cũng mới đây, cuốn sách "Kiều in Dương Tường’s version" của nhà thơ, dịch giả Dương Tường được ra mắt khi ông đã gần 90 tuổi. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định rằng: "Đây là một đóng góp giới thiệu Kiều ra thế giới và nỗ lực của Dương Tường có giá trị khích lệ rất lớn đối với lớp trẻ, những người rất giỏi ngoại ngữ và có nhiều điều kiện thuận lợi, nên tích cực dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài".

Lan tỏa mạnh mẽ

Truyện Kiều không chỉ lan toả mạnh mẽ trong đời sống văn học thế giới, mà ngay tại Việt Nam sự thẩm thấu ngày càng sâu sắc. Nhiều câu lạc bộ Truyện Kiều, Kiều học… ra đời nhằm tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du và phát triển nền văn học đậm đặc bản sắc Việt.

Cuối tháng 6 vừa qua, giới văn chương lại vui mừng khi nghe công bố thành lập Hội Kiều học tại TPHCM. Hoạt động này hướng tới kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. GS Phong Lê cho rằng, đây là sự kiện quan trọng và đầy thú vị trong việc mở rộng sự phát triển, cũng như tạo điều kiện để những người yêu thích Truyện Kiều có dịp hội tụ, giao lưu, trao đổi với nhau.

Các câu lạc bộ, các hội Kiều học không chỉ quảng bá mà còn góp phần sưu tầm, tìm lỗi dịch nôm cơ bản nhất để Truyện Kiều sát với nguyên tác. Đơn cử như ông Nguyễn Khắc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã sưu tầm được 51 bản Kiều nôm cổ với 9 bản chép tay, 35 bản khắc. Từ đó, ông đã tìm ra 918 chữ sai so với nguyên tác.

Thêm một điều thú vị trong việc công bố thành lập Hội Kiều học TPHCM là sự trở lại của tác phẩm Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do học giả Trương Vĩnh Ký biên soạn sau hơn nửa thế kỷ khi Nguyễn Du qua đời.

Thời gian gần đây, đề tài Truyện Kiều cũng trở thành cảm hứng sáng tạo đối với sân khấu và điện ảnh. Cuối tháng 6 vừa qua, vở rối "Thân phận nàng Kiều" được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã thu hút đông đảo khán giả theo dõi. Trước đó, vở rối ra mắt tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 vào tháng 10/2019 giành giải thưởng Vàng, gây tiếng vang lớn trong giới sân khấu quốc tế.

Sắp tới, Truyện Kiều cũng sẽ được chuyển thể thành phim. Tuy nhiên, điều băn khoăn và khó khăn nhất đối với nhà sản xuất là chọn được diễn viên đóng vai Thuý Kiều. Với vẻ đẹp "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" và tài nghệ cầm – kỳ - thi – hoạ thì không phải ai cũng có thể đáp ứng được.

"Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng, từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến những thứ tiếng khác mà chúng ta khó ngờ đến như tiếng Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập... Các bản dịch này lên đến con số 48 bản" - GS Nguyễn Văn Hoàn, Trường ĐHQG Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ