Truyền hình thực tế cho trẻ: Con dao hai lưỡi

GD&TĐ - Sau thành công của chương trình truyền hình thực tế The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí - hàng loạt chương trình nhắm đến trẻ em được các nhà sản xuất ồ ạt khai thác.

Truyền hình thực tế cho trẻ: Con dao hai lưỡi

Sân chơi này cũng có thể là con dao hai lưỡi khi các em bị cuốn vào vòng xoáy showbiz. Và sự “tận dụng” trẻ em cho cuộc chơi doanh thu này cũng làm nảy sinh khá nhiều hệ lụy.

Hấp dẫn bởi… lạ!

Sau thành công của Giọng hát Việt nhí mùa thứ nhất, đêm chung kết khép lại cũng là lúc nhà sản xuất vội vã bắt tay ngay vào thực hiện Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai. Đến thời điểm này, gần như chương trình nào người lớn có thì trẻ con cũng phải có như Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Vua đầu bếp - Master Chef…

Mới đây nhất là chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi mình đi đâu thế?” phiên bản Việt với sự tham gia của 4 ông bố nổi tiếng là nhạc sĩ Minh Khang, MC Phan Anh, ca sĩ Hoàng Bách, đạo diễn Trần Lực cùng các cậu ấm, cô chiêu của mình cũng đã khiến cả truyền thông lẫn khán giả không ngớt lời bàn tán. Trong gameshow này, các ông bố không hấp dẫn bằng chính các cô, cậu bé. Các bé hồn nhiên, đôi khi ngây ngô, nhưng cũng nhiều khi già dặn… đầy những cảm xúc, bất ngờ.

Phải khẳng định, các chương trình dành cho trẻ con thu hút mạnh về quảng cáo và lượt xem hơn, vì thế các nhà đài khai thác tối đa các chương trình cho trẻ em. Dường như con trẻ đang trở thành mồi câu khách của các nhà đài trong khi các chương trình khác đang trở nên bão hòa, không còn hút khán giả.

Nhiều lo ngại

Không thể phủ nhận sự thành công của những chương trình này. Đây chính các sân chơi để các bé thể hiện tài năng, năng khiếu, mở ra cánh cửa dẫn các em đến với nhiều cơ hội trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để thầy cô, cha mẹ phát hiện sớm tố chất của con em mình; từ đó, có những định hướng đúng cho việc phát triển thiên hướng ở trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho các em đi theo con đường mình yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các chương trình thực tế dễ khiến các em rơi vào vòng xoáy của làng giải trí, hoặc bị cuốn vào áp lực, ảo tưởng của người lớn. Chẳng hạn, sau The Voice Kids, Á quân Phương Mỹ Chi cùng gia đình em nhiều lần dính phải nhiều điều tiếng ngoài ý muốn: Bị đồn hét giá cát-xê, chảnh, bỏ bê việc học…

Với chương trình truyền hình thực tế, để thu hút lượng người xem, chương trình cho trẻ cũng không tránh khỏi những chiêu trò. Giống như các chương trình người lớn, sự khai thác đời tư một cách thái quá đôi khi đẩy chương trình đi quá giới hạn của những cuộc thi tìm kiếm tài năng. Như ở chương trình Giọng hát Việt nhí, cô bé khiếm thị Ngọc Anh (12 tuổi, đến từ TPHCM) ở phần thể hiện ca khúc Ơn nghĩa sinh thành kèm theo một video clip khá dài để kể về hoàn cảnh của mình. Hay cô bé mồ côi yêu nhạc Trịnh - Lê Thanh Huyền Trân cũng được “hậu thuẫn” bằng câu chuyện xúc động trước khi xuất hiện với ca khúc Còn tuổi nào cho em.

Thiết nghĩ, tạo sân chơi cho trẻ, qua đó khơi gợi, phát huy năng lực cá nhân của trẻ là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên, đó phải là những sân chơi để các cháu sáng tạo và đam mê, bồi bổ kiến thức, hướng đến những giá trị nhân văn, làm phong phú thêm tâm hồn của các em không vì lợi nhuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ