Trường tư cắt giảm nhân viên do dịch corona

Trường tư cắt giảm nhân viên do dịch corona

Nhận thông báo UBND tỉnh Bình Dương cho học sinh nghỉ hết tháng 2, chị Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường Đôrêmi thở dài vì trước đó đã chuẩn bị chu đáo để đón trẻ trở lại từ ngày 17/2.

Chị nhẩm tính, mỗi tháng phải trả 350 triệu đồng tiền lương cho 40 giáo viên, tháng nghỉ có thể nhận lương thỏa thuận, nhưng không dưới mức tối thiểu vùng. Tại Dĩ An, lương tối thiểu là 4,4 triệu đồng nên số tiền phải trả trong tháng 2 là 240 triệu đồng, trong khi phải trả tiền thuê nhà và không có học phí.

Sau nhiều ngày cân nhắc, chị Tuyết quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với một phần ba giáo viên trong trường, bắt đầu từ giữa tháng 3 tới. "Đây là việc không đành, nhưng phải làm vì không nuôi nổi cả guồng máy, tránh việc trường phải giải thể", chị Tuyết nói.

Bà Tào Lệ Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Chuột Túi Thông Minh (quận Tân Bình, TP HCM) nói "thực sự đuối" trong mùa dịch. Trường quy mô nhỏ với 11 nhân viên, trông giữ 50 trẻ, mỗi tháng chi hơn 35 triệu đồng thuê mặt bằng. Tháng nghỉ tránh dịch, trường không thu học phí và vẫn trả đủ lương cho giáo viên, tùy theo vị trí, trung bình trên 5 triệu đồng mỗi người. Nếu nghỉ thêm, bài toán sẽ rất khó khăn, lương buộc phải cắt giảm.

Làm cụm trưởng với hơn 10 trường mầm non trong quận Tân Bình, bà Hoa cho biết một trường quy mô nhỏ, trung bình mỗi tháng cũng chi hơn 100 triệu đồng để duy trì hoạt động. Nguồn thu chủ yếu là học phí nên nghỉ tháng nào sẽ "hụt hơi" tháng đó. "Giáo viên mầm non phần lớn là những người trẻ ở các tỉnh lên, thu nhập đã thấp mà còn bị cắt giảm thì càng thêm vất vả", bà Hoa nói.

Với quy mô dân số lớn, đông dân nhập cư, ngoài hệ thống hơn 1.000 trường mầm non công lập và tư thục, TP HCM còn hơn 2.000 nhóm trẻ và lớp (dưới 7 trẻ) độc lập tư thục. Những nhóm trẻ này hầu hết phải cắt giảm lương vì không thể cân đối thu chi trong tháng nghỉ phòng dịch.

Nhiều trung tâm ngoại ngữ, dạy thêm - học thêm đối diện nguy cơ đóng cửa vì dịch. Là chủ đầu tư một trung tâm ngoại ngữ ở TP Đồng Xoài (Bình Phước), anh Hà Hữu Bình phải trả hơn 40 triệu đồng thuê mặt bằng, điện nước và 40 triệu đồng lương nhân viên. Nguồn thu của trung tâm hoàn toàn dựa vào học phí từ 300 người học, chủ yếu là học sinh, nhưng tháng 2 "trắng tay".

Anh Bình tỏ ra sốt ruột trước tình hình dịch viêm phổi corona (Covid-19) bởi không biết khi nào mới được dập hoàn toàn. Nhiều phụ huynh cho biết, dù tháng 3 ngành giáo dục cho học sinh trở lại trường thì cũng không cho con đi học thêm ở trung tâm để tránh nguy cơ lây bệnh. "Nếu dịch bệnh vẫn phức tạp, tình hình ảm đạm thế này đến giữa năm có lẽ tôi phải đóng cửa trung tâm", anh nói.

Không chỉ lo bài toán thu chi, việc sắp xếp nhân sự, hoạt động của nhiều trường cũng bị xáo trộn khi học sinh không đến trường. Sáng 22/2, hàng chục giáo viên trường Tiểu học - THCS Pascal (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn đến trường để ghi hình bài giảng online gửi cho học sinh. Để nâng cao chất lượng ghi hình, trường đầu tư mua thêm máy quay. Học phí và các khoản đóng góp khác của tháng 2 sẽ được chuyển sang tháng học bù theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tháng này việc học online miễn phí.

Cô Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh nghỉ nhưng cường độ làm việc của giáo viên nhiều hơn ngày thường. Mỗi tuần, trường phải đảm bảo tối thiểu 100 bài giảng ở năm khối lớp, nhiều thầy cô phải ở trường đến 23h để sửa bài giảng. Để có những video dạy học chỉn chu, buổi sáng các tổ chuyên môn sẽ trao đổi sau đó luân phiên ghi hình, đến chiều thì dành thời gian tương tác, giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Theo cô Nhàn, mỗi tháng trường chi khoảng 10 tỷ đồng cho tiền lương nhân viên và kinh phí hoạt động. Giáo viên được trả đầy đủ lương cùng với hỗ trợ 200.000 đồng cho một bài giảng online. "Với một đơn vị tư nhân như chúng tôi, học sinh nghỉ một tháng đã khó khăn, nhưng vẫn cố gắng khắc phục. Nếu nghỉ kéo dài, trường có thể phải tính đến việc thu học phí học online để trang trải", cô cho hay.

Nhân viên trường THCS - THPT Hồng Hà sơn lại bàn ghế học sinh. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhân viên trường THCS - THPT Hồng Hà sơn lại bàn ghế học sinh. Ảnh:Mạnh Tùng.

Tương tự, trường THCS - THPT Hồng Hà (TP HCM) trong tháng 2 phải trả hơn một tỷ đồng thuê mặt bằng tại 4 cơ sở và lương cho 300 giáo viên, nhân viên. Giáo viên trường thêm vất vả bởi công việc dạy học trực tuyến tốn nhiều thời gian, công sức hơn. Nhân viên của trường cũng nhiều việc hơn khi phải sửa sang, sơn phết lại toàn bộ phòng, bàn học, tổng vệ sinh trường.

Cô Hà Thị Kim Sa, Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng trường, nói rất may mắn khi được sự đồng lòng của thầy cô và phụ huynh trong giai đoạn khó khăn này. Ngay cả nông trại của trường, rộng hơn 6 hecta cung cấp rau củ cho bữa ăn bán trú ngày thường, nay cũng được giáo viên trường chung tay san sẻ.

"Dịch bệnh thì dĩ nhiên trường khó khăn hơn nhiều, nhưng đó cũng là cái khó chung của xã hội. Nghỉ thêm thì trường vẫn xoay xở được, cái lo lớn nhất là việc học của các em bị ảnh hưởng", cô Sa chia sẻ.

Hiện tất cả địa phương đã cho học sinh nghỉ học hết tháng 2 để phòng dịch. Riêng TP HCM kiến nghị Chính phủ cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3, học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cuối tháng 7.

Đến chiều 22/2, sau nhiều cuộc họp bàn của lãnh đạo các bộ trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản kiến nghị chủ tịch các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.