Trường tham gia KĐCLGD được ưu tiên hưởng các chính sách cao hơn

Trường tham gia KĐCLGD được ưu tiên hưởng các chính sách cao hơn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Đây là một trong những phương hướng, nhiệm vụ của KĐCL cơ sở giáo dục phổ thông trong năm 2010 và những năm tiếp theo được Bộ GD&ĐT đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác tự đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông diễn ra hôm nay (20/7) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về KĐCL cơ sở giáo dục phổ thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai tự đánh giá, phấn đấu từ năm 2011-2012 trở đi, các trường TH, THCS, THPT triển khai tự đánh giá hàng năm; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở GD phổ thông triển khai thực hiện cải tiến chất lượng đã được xây dựng trong báo cáo tự đánh giá, coi đó là khâu đột phá để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường; từng bước triển khai đánh giá ngoài với các trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá trong năm học 2009-2010; xây dựng chính sách ưu tiên gắn với kết quả KĐCLGD, trường có tham gia KĐCLGD và trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì được hưởng chính sách cao hơn...

Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tự đánh giá đã trở thành một hoạt động được triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trong phạm vi toàn quốc.

Tính đến tháng 6/2010, có 19.220 trường học trên tổng số 28.208 trường phổ thông trên cả nước đủ điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), chiếm 68,14%. Trong số hơn 19 nghìn trường học này, 10.648 trường đang thực hiện tự đánh giá (chiếm 55,40%) và 7.700 trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá (chiếm 40,06%). Đã có 2.810 trường đã được thẩm định báo cáo tự đánh giá và 52 trường đã tổ chức đánh giá ngoài.

Hội nghị
Hội nghị ơ kết công tác tự đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: gdtd.vn

Về phía Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về KĐCLGD; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ của các sở GD&ĐT theo đúng kế hoạch, tạo điều kiện để các địa phương triển khai công tác KĐCLGD.

Về phía các Sở GD&ĐT, trong năm học 2009-2010, các Sở đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là về công tác tự đánh giá. Tất cả các Sở GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường triển khai KĐCLGD. Các trường đã thành lập Hội đồng tự đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thâp, xử lý thông tin, minh chứng và viết báo cáo tự đánh giá. Việc tập huấn tự đánh giá cũng được các sở GD&ĐT thực hiện tốt (tính đến tháng 6/2010, có 115.298 cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn tự đánh giá); hoạt động hỗ trợ và kiểm tra giám sát của các Sở GD&ĐT được chú trọng, tăng cường.

Có thể nói, mặc dù công tác KĐCLGD đối với các cơ sở giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm 2009, nhưng đã trở thành một hoạt động thường xuyên tại các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) và đã thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, giáo viên về công tác KĐCLGD đã có chuyển biến; thực hiện tự đánh giá trong KĐCLGD đã làm thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, nâng tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ quản lý; các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đã trở thành mục tiêu phấn đấu của các cơ sở GD phổ thông; công tác tự đánh giá của các trường bước đầu được triển khai trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường phổ thông...

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, công tác tự đánh giá ở các nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ở một số đơn vị, công tác tự đánh giá chưa được quan tâm đúng mức do nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ quản lý; việc triển khai hoạt động còn lúng túng do cán bộ giáo viên chưa nắm chắc quy trình, kỹ thuật tự đánh giá; công tác lưu trữ văn bản, tài liệu của nhà trường chưa tốt gây khó khăn cho việc thu thập thông tin, minh chứng, nhất là các trường ở miền núi; chất lượng báo cáo tự đánh giá chưa tốt; Liên Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn về kinh phí cho hoạt động kiểm định nên các trường còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện...
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.