Chuẩn đầu ra là sự khẳng định học sinh làm được những gì và kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi mà học sinh phải đạt được khi tốt nghiệp ở một ngành đào tạo hoặc ở một chương trình đào tạo.
Nội dung chính của chuẩn đầu ra ở mỗi ngành đào tạo hoặc mỗi chương trình đào tạo gồm: Giới thiệu ngành đào tạo (trình độ đào tạo; tên ngành (chuyên ngành); mã ngành; đối tượng học sinh; thời gian đào tạo; giới thiệu tóm tắt về chương trình đào tạo); những công việc chính học sinh tốt nghiệp có thể làm được; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi khác của học sinh tốt nghiệp.
Hướng dẫn nêu rõ, chuẩn đầu ra phải cụ thể không diễn đạt chung chung; phải đo lường, đánh giá được; phải thể hiện hành động (dùng các động từ hành động); phải phù hợp (với trình độ), khả thi và phân biệt được giữa các trình độ trong cùng ngành đào tạo; đơn giản, dễ hiểu; kết cấu và hình thức văn bản đảm bảo tính thống nhất giữa các khoa chuyên môn.
Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, theo Bộ GD&ĐT là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở đào tạo TCCN. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cơ sở đào tạo TCCN tổ chức nghiên cứu văn bản hướng dẫn này và tổ chức rà soát, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra.
Chuẩn đầu ra của chương trình toàn khóa học có thể xem là tích hợp của các chuẩn đầu ra của các học phần trong chương trình đào tạo. Do vậy, các trường cần rà soát chuẩn đầu ra của mỗi học phần để đảm bảo tính nhất quán và tính hệ thống của toàn bộ chương trình.
Chuẩn đầu ra của học sinh theo các ngành đào tạo thường xuyên được định kỳ rà soát cập nhật để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Dựa theo chuẩn đầu ra, nhà trường chủ động rà soát tất các nội dung chương trình, bổ sung nội dung mới hoặc cắt giảm những nội dung không phù hợp, đổi mới phương pháp thi kiểm tra (không phải đánh giá theo tất cả những thông tin mà giảng viên cung cấp cho học sinh theo cách tiếp cận nội dung lấy giảng viên làm trung tâm mà đánh giá theo chuẩn đầu ra) và bố trí nguồn lực để thực hiện chuẩn đầu ra.
Hiếu Nguyễn