Trường sư phạm: Đổi mới để bắt nhịp với chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, để bắt nhịp với chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm cần đổi mới phương pháp giảng dạy để đào tạo nên đội ngũ giáo viên phổ thông có đủ phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trường sư phạm: Đổi mới để bắt nhịp với chương trình giáo dục phổ thông mới

Đi tắt, đón đầu...

Theo GS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, các trường sư phạm cần đi tắt đón đầu trước yêu cầu đổi mới của giáo dục. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các trường cần thay đổi phương pháp đào tạo, giảng dạy, thậm chí phải thay đổi giáo trình để bắt nhịp với chương trình giáo dục phổ thông mới, chẳng hạn như: vấn đề dạy tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Mặt khác, các trường sư phạm cũng cần tính đến việc thay đổi cơ cấu lại các khoa chuyên môn để phù hợp hơn với thực tiễn và sát với nhiệm vụ của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mục đích là đào tạo ra đội ngũ giáo viên có những phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đáp ứng với sự phát triển chung của xã hội.

Cùng chung quan điểm trên, GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục phân tích: Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh vai trò phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, do vậy các trường sư phạm cần chuyển đổi, phát triển chương trình đào tạo theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học đến kiểm tra đánh giá, quản lý việc dạy và học...

“Các trường sư phạm cũng cần gắn kết chặt chẽ với các trường phổ thông, để sinh viên có điều kiện được trải nghiệm thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông nhiều hơn. Có như vậy, các em mới không bị bỡ ngỡ khi ra trường và chính thức đứng lên bục giảng với tư cách là một giáo viên” – GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Còn theo tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), từ nay đến khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được áp dụng, các trường sư phạm có rất nhiều việc phải làm, từ khâu bồi dưỡng giáo viên cho đến đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông mới.

Vì vậy, sẽ không còn thời gian để cho các trường sư phạm chậm lại, mà các trường phải luôn chủ động đón đầu và song hành với chương trình giáo dục phổ thông mới. Chẳng hạn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới có đề cập đến dạy học tích hợp và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; vậy thì các trường sư phạm phải hình dung ngay được việc mình cần làm là gì, cần trang bị cho các giáo sinh những kỹ năng, kiến thức gì để sau khi ra trường họ đủ tự tin là người thầy của những hoạt động giáo dục này.

Những việc cần làm ngay...

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu của thực hiện chương trình mới, khâu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên rất quan trọng, vừa giúp cho các thầy cô thay đổi phương pháp, vừa trang bị kiến thức mới để có thể đáp ứng được yêu cầu mới.

Hiện tại, các trường cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên để kịp thời đón đầu đổi mới. Đào tạo giáo viên công nghệ cũng đặt ra cho các trường sư phạm những vấn đề lớn vì chương trình mới không thể dạy chay như trước, các môn công nghệ kỹ thuật phải có thực hành, thí nghiệm để sinh viên đam mê, làm quen”.

Giảng viên Mạc Thị Mai – Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai phân tích: Năng lực sư phạm chính là năng lực lao động chuyên biệt, là khả năng truyền thụ tri thức, kinh nghiệm và chuyển tải tri thức vào trong sản phẩm của quá trình GD&ĐT nhanh và hiệu quả nhất. Đồng thời, gợi mở, tạo ra cho người học niềm tin, lòng say mê hứng thú học tập và rèn luyện. Công việc phải làm ngay là xác định các mặt hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để đưa ra các năng lực cơ bản cần đào tạo ban đầu ở trường/khoa sư phạm.

Trong bối cảnh hội nhập với những biến đổi sâu sắc của nghề dạy học, các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cần hình thành ở người giáo viên phổ thông là: Kĩ năng làm việc với sách giáo khoa, kĩ năng sử dụng các thiết bị dạy học, kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục, kĩ năng giao tiếp, hội nhập, kĩ năng gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, gắn lí luận với thực tiễn địa phương, kĩ năng định hướng, kế hoạch hóa, kiểm tra, tự kiểm tra, đánh giá, tự đánh giá...

Căn cứ vào hệ thống các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm này, trường/khoa sẽ cụ thể hóa mục tiêu thành các năng lực đòi hỏi ở một sinh viên tốt nghiệp theo từng ngành, từng bộ môn. Sau đó, tất cả các giảng viên dù được phân công dạy chuyên môn hay nghiệp vụ đều tham gia thực hiện ở mức độ phù hợp với giáo trình mình phụ trách, thể hiện trong khâu bài giảng, kiểm tra đánh giá và hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp.

"Giải quyết các vấn đề trong những bài học ở nhà trường sư phạm cũng nên xem như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời sống thực tế phong phú; và ở một góc độ nào đó, khi họ ra trường khỏi phải mất công đào tạo tiếp từ thực tế cuộc sống và công việc" - giảng viên Mạc Thị Mai trao đổi.

Đồng thời bà Mai đề xuất: Các trường sư phạm cũng cần đưa vào nội dung đào tạo các kiến thức thực tiễn từ các cơ sở giáo dục; Các ngành đào tạo giáo viên gắn kết chặt chẽ với chương trình phổ thông; Khắc phục triệt để tình trạng: "Chưa được biết thấu đáo cái cần biết, biết sai cái cần biết hoặc biết cái chưa cần biết"; Tạo động lực học tập và nghiên cứu đối với người học, nhằm chủ động trước một bước đối với nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng giáo viên trong từng giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chương trình đào tạo, cơ chế quản lý, phương pháp giảng dạy... cũng cần kết hợp hiệu quả với vai trò của người thầy, chỉ khi ấy thì công cuộc đổi mới đạt kết quả như mong muốn.

"Các trường sư phạm phải tạo ra và phát triển những con người có nghề nghiệp. Làm như vậy, để giúp người học biết suy nghĩ, phê phán, đánh giá và hành động đúng đắn; Biết cách học độc lập và suốt đời; biết tạo nghiệp và phát huy các năng lực cá nhân; biết chung sống, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; biết chấp nhận rủi ro và đương đầu với mạo hiểm; biết sáng tạo và thích ứng với những đổi mới của thực tiễn giáo dục" - Giảng viên Mạc Thị Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.