Trường Sa - Điểm tựa của ngư dân khai thác xa bờ

Các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Trường Sa ngày càng trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân bám biển dài ngày.

Trường Sa - Điểm tựa của ngư dân khai thác xa bờ

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá là nơi cung cấp xăng dầu, lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân đang khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ. Với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, Trường Sa ngày càng trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Truong Sa - Diem tua cua ngu dan khai thac xa bo - Anh 1

Trung tâm hậu cần nghề cá tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. (Ảnh: Internet)

Do đặc thù của việc khai thác và đánh bắt xa bờ nên khi đã đánh bắt đầy cá, tàu của ngư dân phải chạy từ 4-5 ngày vào đất liền để bán cá và mua dầu, mua lương thực dự trữ để tiếp tục vươn khơi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, ngư dân đến Trung tâm trực tiếp bán lượng thủy sản vừa đánh bắt được và mua nhu yếu phẩm, tiếp nước ngọt cho chuyến đi biển tiếp theo. Nhờ vậy, ngư dân có thể tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí xăng dầu và quan trọng nhất là không bỏ lỡ những mùa cá.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Bộ NN&PTNT đi vào hoạt động từ tháng 5/2015 với chức năng phục vụ cho tàu thuyền của bà con đánh bắt xa bờ. Hiện nay, Trung tâm có 8 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và luân phiên trực canh trong lòng âu tàu đảo Đá Tây, sẵn sàng nhận lệnh tuần tra, cứu hộ hàng hải, đồng thời làm nhiệm vụ thu mua hải sản, bán hàng lưu động trên biển; dẫn luồng vào âu tàu, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn. Vào những ngày biển động, Trung tâm dịch vụ hậu cần còn là nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.

Ông Chu Minh Sơn, Trưởng ban Quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa cho biết, tất cả các dịch vụ tại Trung tâm đều tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.

“Giá bán nhiên liệu, thực phẩm đều bằng với giá ở đất liền tại thời điểm. Ngoài ra, trung tâm còn có dịch vụ sửa chữa tàu thuyền miễn phí, cấp nước ngọt miễn phí, kết hợp với bộ đội Hải quân khám chữa bệnh cho ngư dân, đồng thời sắp xếp tàu thuyền cho bà con ngư dân vào tránh trú bão an toàn”, ông Sơn cho biết.

Ngoài đảo Đá Tây, các đảo trên Quần đảo Trường Sa đều làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân, là điểm tựa cho ngư dân trong những ngày vươn khơi bám biển. Năm 2015, đảo Đá Lớn A đã hỗ trợ cho 133 lượt tàu vỏ gỗ của ngư dân ghé đảo, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân. 5 tháng đầu năm 2016, đảo đã hỗ trợ 88 lượt tàu của ngư dân, cấp cứu 1 ngư dân bị nạn.

Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Lớn A, huyện đảo Trường Sa cho biết, khi ngư dân có trường hợp ốm đau hay tai nạn, đảo luôn có người trực tiếp ra tàu hoặc tàu đưa bệnh nhân đến khám để cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, đã có nhiều ngư dân trong tỉnh Ninh Thuận đầu tư thuyền công suất lớn theo Nghị định 67 liên kết thành các tổ đội đánh bắt xa bờ, vươn khơi ra các ngư trường lớn trên quần đảo Trường Sa khai thác mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua. Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại các điểm đảo trên Quần đảo Trường Sa là một tín hiệu vui đối với ngư dân khai thác xa bờ trong đó có ngư dân của tỉnh Ninh Thuận.

Ông Lê Văn Tín, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đảo Đá Tây A là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, mỗi khi ngư dân đánh cá xong có thể về Trung tâm để trao đổi mua bán, vừa tiết kiệm chi phí cho chuyến biển vừa nâng cao hiệu quả của việc đánh bắt.

Hoạt động của các trung tâm hậu cần nghề cá và các đảo trên Quần đảo Trường Sa là điểm tựa đáng tin cậy cho ngư dân giữa muôn trùng sóng gió, góp phần cùng với Hải quân Nhân dân Việt Nam hỗ trợ đắc lực để tàu thuyền ngư dân vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân chia sẻ: Lực lượng Hải Quân trên đảo rất cảm động mỗi khi ngư dân ghé thăm, khi ngư dân ra cũng là niềm vui để động viên cán bộ chiến sỹ trên đảo. Ngược lại, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng đã hết mình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân vươn khơi bám biển, hoạt động dài ngày trên biển. Đây cũng chính là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Hoàng sa và Trường Sa.

Trong tương lai, trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa sẽ có một chuỗi liên hoàn các âu tàu, khu hậu cần nghề cá, để hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.