Đây là cơ hội và cũng là thách thức để các trường nghề tự chuyển mình, nâng cao chất lượng đào tạo, ngày càng gắn hơn với nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó thay đổi nhận thức, giúp học sinh hiểu rõ lợi ích của học nghề và tích cực tham gia học nghề.
Cơ chế tuyển sinh linh hoạt
Theo PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cơ chế tuyển sinh từ năm 2017 này là hết sức linh hoạt và cởi mở, tạo điều kiện cho người học cũng như cho doanh nghiệp sử dụng lao động. Đặc biệt là các quy định tự chủ trong tuyển sinh cho các cơ sở dạy nghề. Trên tinh thần mới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng 3 hình thức tuyển sinh phổ biến gồm: Xét chọn hồ sơ, theo trình độ của người học; Thi tuyển theo chỉ tiêu của các trường, các trường tổ chức thi để tuyển sinh đầu vào và kết hợp xét tuyển và thi tuyển.
Đối với học sinh tốt nghiệp THCS các em học sinh có thể thực hiện một trong hai nguyện vọng là chỉ học chuyên môn, để học nghề xong ra làm việc ngay. Hai là có thể vừa học nghề và học bổ túc văn hóa, các em học theo nguyện vọng này có thể tốt nghiệp cả trình độ trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT và có cơ hội học liên thông lên trình độ cao hơn.
Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ CĐ, trung cấp vừa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành, cho phép các trường có thể tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm. Hiệu trưởng các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, được phép linh hoạt giữa hai trình độ trong cùng ngành nghề đào tạo cùng trường, đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị phù hợp với quy mô, trình độ đào tạo... Căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động để tuyển sinh và đảm bảo được học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt tỷ lệ cao (trên 70%).
Thách thức đổi mới
Dù tạo điều kiện cho cả nhà trường và người học, nhưng nhiều chuyên gia vẫn nhận định tình hình tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm nay vẫn sẽ tiếp tục khó khăn không kém gì những năm trước. Bởi bản thân các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải cạnh tranh với nhau, đồng thời phải cạnh tranh với cả hệ thống giáo dục ĐH để thu hút học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp là một lý do quan trọng khiến công tác tuyển sinh luôn gặp khó khăn. Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 5 năm qua không đạt mục tiêu chiến lược và liên tục giảm. Cơ cấu tuyển sinh hiện chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 88%); trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 12% so với mục tiêu 22% đặt ra trong Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020. Sau khi học nghề, tỷ lệ người có việc làm là 78,7%, nhưng tỷ lệ người được doanh nghiệp tuyển dụng chỉ là 22,8%...
Thực tế cho thấy, những khó khăn bất cập như công tác phân luồng học sinh vào học nghề còn chưa tốt; tâm lý số đông phụ huynh vẫn mong muốn con em được vào đại học mà không muốn đi học nghề, đang là những thách thức lớn cho công tác tuyển sinh học nghề... Tiến tới tự chủ toàn diện, bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự đổi mới hoạt động, đổi mới nội dung giảng dạy, tăng kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành nghề gắn kết với doanh nghiệp... tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường lao động, đây chính là cơ sở để khẳng định uy tín, thương hiệu. Các cơ quan quản lý cũng cần sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cắt giảm, hợp nhất những trường hoạt động không hiệu quả, tập trung đầu tư cho các trường hoạt động hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó thu hút giới trẻ tham gia học nghề.