Trường mầm non vùng khó nỗ lực đạt chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Trường Mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) được thành lập từ năm 2009. Trong 9 năm xây dựng và phát triển là cả một quá trình phấn đấu đầy gian nan, không ngừng nghỉ của tập thể nhà trường cùng với sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT huyện.

Dãy nhà lớp học được xây dựng khang trang
Dãy nhà lớp học được xây dựng khang trang

Khi mới thành lập, trường có 7 điểm bản lẻ; 23 cán bộ quản lý, giáo viên; có 11 nhóm, lớp với 183 trẻ. Học sinh nhà trường chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú; phần lớn thuộc hộ nghèo và cận nghèo; lớp học khi mới thành lập chủ yếu là phòng tạm; thiếu nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Năm học 2018 - 2019, trường quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến thăm trường thời điểm này, ai cũng dễ dàng nhận ra một ngôi trường khang trang, sạch đẹp với môi trường giáo dục thân thiện. Điều đó được khẳng định từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, cảnh quan môi trường; số lớp và số học sinh tăng mạnh từ điểm trường chính tới các điểm trường lẻ. Tính đến thời điểm này toàn trường có 28 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Giáo viên dạy giỏi các cấp chiếm 60%. Có 17 lớp với 250 trẻ; trong đó, mẫu giáo 13 lớp với 179 trẻ; nhà trẻ 4 lớp với 71 trẻ; có 7 phòng học kiên cố; 3 phòng học bán kiên cố; 100% trẻ được học 2 buổi trên ngày, được theo dõi bằng biểu đồ phát triển và được ăn bán trú.

Nhà trường đã xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý; đội ngũ giáo viên và nhân viên; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; thực hiện xã hội hóa giáo dục. Với mỗi tiêu chuẩn, nhà trường đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể và phân công hợp lý để mỗi tiêu chuẩn đều được thực hiện đảm bảo lộ trình đã đề ra.

Hàng trăm công lao động do nhân dân địa phương, cán bộ, giáo viên đóng góp xây dựng cơ sở vật chất ở điểm trường trung tâm và các điểm bản lẻ khó khăn
  • Hàng trăm công lao động do nhân dân địa phương, cán bộ, giáo viên đóng góp xây dựng cơ sở vật chất ở điểm trường trung tâm và các điểm bản lẻ khó khăn

Tuy nhiên, đối với các trường mầm non thuộc vùng khó khăn như Trường Mầm non Nậm Khăn thì những tiêu chí về cơ sở vật chất bao giờ cũng nan giải nhất bởi lẽ địa bàn rộng, nhiều điểm bản xa trung tâm, đường đi lại đến các điểm bản chủ yếu là đường dân sinh, đường nhỏ, nhiều dốc cao và trơn trượt nhất là vào những ngày trời mưa như điểm Huổi Noỏng, Huổi Vang, Nậm Pang… Chính vì thế, việc vận chuyển nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi vô cùng vất vả.

Từ những khó khăn trên, trong suốt quá trình phấn đấu, xây dựng nhà trường đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp có thẩm quyền trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp kinh phí mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; tổ chức kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, góp công, góp của xây dựng ngôi trường. Một điều không thể không kể đến, đó là tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên trong việc cải tạo cảnh quan môi trường từ điểm trường chính tới các điểm trường lẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Khăn tâm sự: “Từ sự vào cuộc của Phòng GD&ĐT huyện trong việc chỉ đạo xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường nhà trường cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, mỗi giáo viên đều cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình để góp sức xây dựng mới có ngôi trường như ngày hôm nay”.

Năm học 2018 - 2019, huyện Nậm Pồ phấn đấu có thêm 5 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Mầm non Nậm Khăn, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện lên 25 trường.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: “Ngành GD-ĐT huyện Nậm Pồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các trường trong lộ trình đăng ký xây dựng trường chuẩn quốc gia để làm sao các trường đều được công nhận theo đúng lộ trình xây dựng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ