Trường hợp được hưởng trợ cấp thương tật

GD&TĐ - Hỏi: Bố tôi là giáo viên đã nghỉ hưu. Trước đây bố tôi đã tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị thương với tỷ lệ thương tật dưới 21%

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Hiện nay ông liên tục kêu đau và phải nhập viện nhiều lần. Kết luận của bệnh viện là vết thương của ông tái phát. Vậy xin được hỏi chuyên mục: Trường hợp của bố tôi có được giám định lại tỷ lệ thương tật hay không? Với những trường hợp nào thì được hưởng trợ cấp thương tật? - Nguyễn Công Hoan -  Hà Nội (nguyenconghoangv@gmail.com)

* Trả lời:

Ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số: 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo Điều 12, Nghị định này quy định: Thương binh được kết luận thương tật tạm thời từ 21% trở lên, sau 3 năm được giám định lại để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn.

Thương binh sau khi đã được giám định thương tật mà bị thương tiếp do một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định này thì được giám định bổ sung.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp bố của bạn đã được giám định sức khỏe với tỷ lệ thương tật dưới 21%, do đó bố của bạn không thuộc đối tượng được giám định lại thương tật.

Trường hợp được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng được quy định tại Điều 13 Nghị định này như sau:

1. Thương binh được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng từ ngày Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (gọi chung là Hội đồng Giám định y khoa) kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên.

2. Người bị thương được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 05% đến 20% được hưởng trợ cấp một lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ