(GD&TĐ) - Không ít khu đô thị mới của Hà Nội hiện nay đang tồn tại một nghịch lý chua xót: Trường ngoài công lập (NCL) mở ra hoành tráng không có người học. Trong khi trường công lập thì gồng mình với gánh nặng sĩ số, quá tải.
Đầu tư 500 tỷ chỉ có 110 học sinh
Đến khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy), chắn chắn mọi người sẽ bị ấn tượng bởi kiến trúc rất đẹp, hoành tráng của hệ thống trường quốc tế Global. Trường được xây dựng trên diện tích 40.000m vuông, đạt tiêu chuẩn quốc tế do Thụy Điển và Singapore thiết kế với đầy đủ các phòng thí nghiệm khoa học chuyên ngành, các xưởng kỹ thuật thực hành, bể bơi nước nóng trong nhà và ngoài trời, phòng tập thể thao, khu máy vi tính, thư viện... Thế nhưng, trường với khoảng 120 phòng học cấp tiểu học và THCS mỗi phòng 60m vuông; 18 phòng mầm non với 100m vuông/phòng cùng đầy đủ các phòng chức năng hoành tráng như trên hiện chỉ có tất cả 110 học sinh theo học.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên – Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường cho biết: Xây dựng ngôi trường này, tôi và các cổ đông đã đổ vào không chỉ tiền mà còn là rất nhiều tâm huyết. Khi xây trường, quan điểm của tôi là không phải chỉ xây một ngôi nhà với 4 bức tường mà phải ra được một công trình trường học mang ý nghĩa văn hóa thật đẹp, ý nghĩa. Thế nhưng, cho đến nay, tổng số học sinh trong trường chỉ có 90 học sinh mầm non, 12 học sinh tiểu học và 8 học sinh THCS; trong số này chỉ có 50 học sinh trong địa bàn quận Cầu Giấy.
Khung cảnh tuyệt đẹp của Trường Quốc tế Global |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trường xây xong nhưng không được cấp điện. Hiện chỉ có khu trường mầm non mới có điện nên học sinh tiểu học, THCS cũng phải học nhờ tại đây. Nhiều học sinh dù yêu quý trường cũng đã bỏ trường mà đi là vì lý do này...”
Nhìn cảnh một quần thể trường học khang trang nhưng 128 phòng học với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại bỏ trống, trong khi các trường công lập trên địa bàn quá tải mới thấy sự lãng phí vô cùng lớn.
Cùng trên địa bàn quận Cầu Giấy, khu đô thị mới Dịch Vọng cũng chỉ có các trường NCL. Trong số này có Trường Thăng Long – Kidsmard với hai cấp học mầm non và tiểu học. Không đến nỗi lâm vào hoàn cảnh bi đát như Global, hiện cấp tiểu học của trường mới có 42 học sinh, chia làm 4 lớp; lớp 1 có 24 học sinh; các lớp 2 - 3 - 4, mỗi lớp 6 học sinh. Dự kiến số tuyển sinh của trường năm nay là 120 em tiểu học, đồng thời tuyển bổ sung vào các lớp từ lớp 2 đến lớp 5. Theo ông Nguyễn Văn Vị - Hiệu trưởng nhà trường, việc tuyển sinh của trường thực sự rất khó khăn.
Xây khu đô thị, phải có trường công
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhiều điểm quy hoạch trên địa bàn dành cho trường học nhưng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Các khu chung cư, nhà cao tầng khi được phê duyệt đầu tư xây dựng đều có hệ thống trường học công lập, nhưng khi đưa vào sử dụng hầu hết lại chỉ có trường tư thục. Các trường tư thục dù đầu tư khá tốt cơ sở vật chất nhưng do học phí thu cao nên không đáp ứng được nhu cầu đại bộ phận dân cư. Xây trường nhưng khó thu hút người học, học sinh trong khu đô thị đổ ra trường công khiến các trường công lập càng thêm quá tải. Quỹ đất lãng phí, tiền lãng phí nhưng nơi học tập của người học vẫn không được đảm bảo – đó là thực trạng của không ít khu đô thị mới hiện nay.
Theo ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, các khu đô thị khi có chủ trương đầu tư, nhà nước đều giao đất để xây dựng trường học, tuy nhiên, khi thực hiện thì các đất đó được xã hội hóa, chuyển thành trường ngoài công lập. Trường xã hội hóa thu học phí cao hơn công lập, trong khi đó dân trong khu đô thị phần nhiều là dân tái định cư, thu nhập không thể đáp ứng cho con đi học các trường này, từ đó gây sức ép cho các trường công lập trên địa bàn quận.
Một nguyên do nữa là các chủ đầu tư, nhiều người khi được giao đất không thực hiện đúng cam kết với nhà nước là xây dựng trường học ngay, nên khi dân cư chuyển đến nhưng chưa có trường. Các địa bàn dân cư đó chắc chắn sẽ gây áp lực cho trường công lập xung quanh.
Giải pháp cho tình trạng này, thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, nhất thiết khu đô thị mới phải xây trường học xong thì mới được cho dân đến ở. Tuy nhiên cũng theo bà Nga, cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn vì những khu đô thị khác nếu buông ra lập tức sẽ chậm có trường.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Quan tâm đến người học, thành phố đã hết sức quyết liệt, HĐND thành phố thường xuyên chất vấn, thường xuyên đi kiểm tra, khảo sát, giám sát để đôn đốc để thực hiện tốt việc xây trường học cho khu đô thị. Hiện nếu đang là đất dự kiến trường tư thì sẽ trở thành trường công để đảm bảo đủ trường công lập cho học sinh trong diện phổ cập. Tuy nhiên vẫn phải xã hội hóa để làm đối trọng với trường công, cùng nhau phát triển, tuy nhiên ở một mức độ nhất định, còn lại vẫn ưu tiên xây trường công lập.
“Với những khu đô thị đã xây dựng rồi nhưng chưa có trường công, sẽ xây một trường công khác ở gần đó - hiện Hà Nội đã có giải pháp và làm rất quyết liệt việc này” – bà Nga cho biết.
Nguyên Bình