Trường học tìm cách “giải nhiệt” cho HS

GD&TĐ - Trước dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài nhiều trường học tại TPHCM, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học đã tìm các giải pháp chống nóng và giải nhiệt cho HS của mình.

Trường học tìm cách “giải nhiệt” cho HS

Phụ huynh cần hiểu biết khi chăm trẻ

Dù chỉ mới bước vào đầu hè nhưng tình trạng nắng nóng bất thường suốt một tháng qua khiến không chỉ phụ huynh, mà nhiều cán bộ quản lý các trường tại TPHCM cũng cảm thấy lo lắng khi trẻ em đổ bệnh nhiều.

Cô Nguyễn Thị Xinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đức (Q.12) cho biết: Cả tháng nay, HS của trường đổ bệnh nghỉ học khá nhiều, đến 9 trường hợp, trong đó 7 trường hợp bệnh hô hấp (cảm cúm, viêm phổi), 2 trường hợp tiêu chảy nên chúng tôi đã phải nhắc nhở phụ huynh rất nhiều về cách thức chăm trẻ ở nhà, cũng như chủ động yêu cầu đội ngũ bếp nấu, bảo mẫu phải chủ động bảo quản thực phẩm, tránh để xảy ra trường hợp thức ăn ôi thiu, gây đau bụng cho trẻ.

Thời tiết xấu đã tác động tiêu cực đến sức khỏe của HS, khiến số bệnh nhân trong độ tuổi từ 1 - 9 tuổi đến khám và điều trị tại các bệnh viện nhi ở TPHCM trong nửa đầu tháng 4 tăng mạnh. Không chỉ trẻ em trong độ tuổi mầm non, trẻ trong độ tuổi tiểu học đổ bệnh cũng rất nhiều.

Thống kê của hai bệnh viện nhi đồng trên địa bàn thành phố cho thấy: Ở thời điểm khác trong năm, số ca bệnh đến khám chỉ dao động từ 5.000 - 6.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trở lại đây, số bệnh nhi đến khám và điều trị đã liên tục tăng. Tuần qua được xem là cao điểm của “làn sóng” bệnh khi mỗi bệnh viện có thời điểm phải tiếp nhận tới hơn 7.000 bệnh nhi.

Ngồi bên giường bệnh cậu con trai 4 tuổi, đang điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Trần Lệ Giang (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho hay: “Ba ngày trước, tôi đang đi làm thì giáo viên trường mầm non nơi bé đang theo học gọi điện báo cháu bị sốt cao, ho và ói nhiều. Đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán, bé bị viêm phổi cấp phải nhập viện điều trị”.

Theo lời chị Giang, thời gian gần đây do nhiệt độ về đêm quá oi bức nên vợ chồng anh chị đã mở quạt suốt đêm ở tốc độ cao để con ngủ được ngon giấc. Vài ngày trước khi đổ bệnh nặng, cháu bé đã có biểu hiện mệt, ho nhiều. Khi được bác sĩ tư vấn khả năng con trai bị bệnh do nằm quạt quá nhiều, vợ chồng chị Giang không khỏi xót xa chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình đã vô tình khiến con bị bệnh.

BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện mỗi ngày tại đây đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 180 bệnh nhân, trong đó có 80 bệnh nhân tiêu chảy cấp. Còn theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì mỗi ngày Khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 230 trẻ mắc các triệu chứng về đường hô hấp. Trong đó, trẻ bị viêm phổi chiếm 35%. Sự phức tạp của thời tiết khiến trẻ khó chịu, nhưng theo lời khuyên của các bác sĩ, phụ huynh cần hiểu biết khi chăm trẻ, tránh vì thương con mà chăm sóc con không đúng cách, gây bệnh cho con.

Lên phương án chống nóng cho HS

Theo bác sĩ Lê Hoàng Phúc, với kiểu thời tiết này, không chỉ riêng bệnh hô hấp, các bệnh về đường tiêu hóa cũng sẽ gia tăng. Do thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, nấm mốc. Khi trẻ nhỏ vô tình ăn, uống phải những loại thực phẩm không còn đảm bảo chất lượng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường ruột gây bệnh tiêu chảy. Vì vậy, phụ huynh cần phải hết sức cẩn thận.

Để “giải nhiệt” cho HS, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) không chỉ tăng cường gấp đôi số lượng nước uống hàng ngày, mà còn yêu cầu các nhân viên vệ sinh phải thường xuyên dọn dẹp, lau chùi trong và ngoài lớp học, giúp giảm nhiệt. Bên cạnh đó, trường còn tăng cường khu uống ngoài trời (nước máy qua xử lý) để phục vụ HS.

“Với HS bán trú, tôi đã yêu cầu bếp và bộ phận nấu nghiên cứu, điều chỉnh khẩu phần ăn bữa phụ của HS theo hướng giảm ngọt, tăng cường các đồ ăn, thức uống mát như nước sâm, mía lau cho HS. Thời tiết này, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng, chỉ cần chịu khó điều chỉnh, sẽ giúp HS giải nhiệt cơ thể, giảm trừ nguy cơ đổ bệnh” - cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường nói.

Cô Hồ Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 2 (Q.12) cho biết: Ngoài tăng cường rau xanh, củ quả và các loại canh để giải nhiệt, trường còn tăng cường các loại nước mát nấu bằng rễ tranh, râu ngô và các loại nước ép trái cây sau giờ các bé ngủ trưa và sau bữa ăn xế để tăng vitamin, tăng đề kháng cho các bé. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời được tiết giảm, thay vào đó trường cho trẻ vui chơi, giải trí trong các khu trò chơi của trường để tránh nóng.

Ở Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) các lớp đều được tăng cường thêm quạt để đảm bảo sự thoáng mát cho HS. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng nhằm ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài hệ thống phun sương bao quanh sân trường đã được trang bị, các lưới che nắng cho sân chơi, vườn trường đều được tăng cường che phủ thêm nên cũng giảm được phần nào cái nóng oi ả cho HS.

Theo BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, mùa hè với cái nóng oi bức luôn tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn.

Theo BS Diệp, những ngày oi nóng như thế này cần cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: Rau dền, rau muống, bí... chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ, khẩu phần ăn có nhiều canh rau, ít dầu mỡ... Ngoài ra, có thể giúp trẻ chống chọi với cơn nóng, tránh rôm sảy, mẩn ngứa bằng cách cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: Chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ