Trường học chung tay phòng dịch bệnh

Trường học chung tay phòng dịch bệnh

HCMIU với Antiviral colloidal silver

Khi thông tin về dịch do virus Corona ngày càng diễn biến phức tạp, Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố nghiên cứu về sản phẩm có tên Antiviral colloidal silver có công dụng phòng nhiễm virus, bao gồm các virus thuộc họ Corona, kháng nấm, sát trùng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Y sinh HCMIU, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm này cho biết: Sản phẩm gồm các thành phần nano bạc, chất ổn định nano và ethanol, dùng để xịt lên khẩu trang trước khi mang, sát trùng tay sau khi ho, hắt hơi hoặc trước khi ăn hay sau khi tiếp xúc với động vật, chất thải động vật.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cũng giải thích: “Sản phẩm chưa được cấp phép của Bộ Y tế nên trước mắt chỉ áp dụng cho sinh viên trong trường và những ai sử dụng sẽ được nhóm hướng dẫn và theo dõi”.

“Việc đeo khẩu trang y tế có tác dụng hạn chế các dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn bắn vào mình, tuy nhiên, khi xịt dung dịch này lên khẩu trang, nano bạc sẽ tạo nên lớp màng bảo vệ ngăn được các loại virrus, vi khuẩn, đồng thời diệt sạch chúng…” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cũng khuyến cáo thêm khi sử dụng nano bạc cần phải chú ý đến nồng độ và kích thước hạt cho từng ứng dụng cụ thể để phát huy tác dụng và không hại cho sức khỏe.

TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng HCMIU cho biết: Nhà trường sẽ phát miễn phí sản phẩm này cho cán bộ và sinh viên của trường để phòng chống dịch.

LHU và dung dịch rửa tay không độc hại


Sản phẩm Antiviral colloidal silver do Khoa Kỹ thuật Y sinh HCMIU nghiên cứu, sản xuất, lưu hành nội bộ. Ảnh: HCMIU

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU), việc bảo vệ sinh viên và tập thể sư phạm nhà trường trước sự bùng phát của virus Corona đã được lãnh đạo nhà trường quán triệt ngày từ buổi họp đầu năm sau Tết Nguyên đán.

Sau khi có sự chỉ đạo của nhà trường, khoa Dược LHU tổ chức họp gấp đội ngũ giảng viên cùng nghiên cứu để triển khai và sản xuất 2 dòng sản phẩm là nước xịt rửa tay và nước rửa tay khô nano bạc không độc hại, thân thiện với môi trường. Sản phẩm này có công dụng phòng sự lây nhiễm virus, sát trùng…

Sau nhiều giờ làm việc, nhóm giảng viên khoa Dược đã hoàn thành sản phẩm và cho thử cảm nhận từ một số thầy cô trong trường. Sản phẩm đón nhận một số ý kiến tích cực ban đầu như: Có mùi thơm dễ chịu của sả, tạo cảm giác khoan khoái và mềm mịn… Theo đó, ai cũng mong muốn sản phẩm sẽ được sản xuất số lượng nhiều và nhanh chóng trang bị tại các cơ sở, các phòng học của trường trước lúc sinh viên nhập học trở lại.

Nhiều sinh viên khoa Dược khi biết tin nhà trường sản xuất nước rửa tay kháng khuẩn đều có nguyện vọng chung tay cùng tham gia để đẩy nhanh tiến độ công việc khi phải làm số lượng lớn cho toàn trường sử dụng. Tiến sĩ Cao Văn Dư – Phó Trưởng khoa Dược LHU chia sẻ: “Sản phẩm có các thành phần cơ bản: Cồn 70% có tác dụng sát khuẩn, glycerin giữ ấm da, nipagin bảo quản dung dịch đặc biệt bổ sung nano bạc với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng và cả virus”. Trước tình thế cấp bách, LHU còn thực hiện clip ngắn hướng dẫn cộng đồng tự làm nước rửa tay khô tại nhà đưa lên trang web của trường.

Nước rửa tay sát khuẩn của HCMUT

Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (HCMUT), cán bộ và sinh viên bộ môn Kỹ thuật hóa hữu cơ thuộc khoa Kỹ thuật Hóa học HCMUT đã pha chế nước rửa tay phòng chống nCoV dành cho cán bộ và sinh viên của trường.

Được biết nhóm nghiên cứu của HCMUT đã pha chế các loại nước rửa tay gồm: Gel sát khuẩn nhanh, xịt sát khuẩn nhanh có công dụng làm sạch và kháng khuẩn nhanh không dùng nước. Bên cạnh đó, còn có sản phẩm rửa tay sát khuẩn với công dụng rửa sạch và kháng khuẩn tay với nước.

Hiện nhóm của HCMUT đã pha chế trên 200 lít để trang bị tại các vị trí trọng yếu của trường. Riêng các chai loại 50 và 100 ml để hỗ trợ cho cán bộ giảng viên của nhà trường.

Sau khi biết thông tin, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM đã “đặt hàng” nhóm sản xuất nên các thành viên của nhóm phải tăng cường độ làm việc. Do sản xuất với số lượng nhiều nên nhóm gặp khó khăn trong việc tìm mua các chai lọ để chiết/chứa dung dịch.

Chia sẻ về thông tin này, PGS.TS Lê Thị Hồng Nhan, Trưởng bộ môn Kỹ thuật hóa hữu cơ HCMUT, cho biết: Giảng viên là những người hỗ trợ công thức và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sinh viên là những người trực tiếp thực hiện các thao tác từ chuẩn bị nguyên vật liệu, lên kế hoạch, sản xuất và hoàn thiện sản phẩm.

Sản phẩm tự sản xuất, pha chế từ những ứng dụng, trải nghiệm thực tế nghiên cứu khoa học trong nhà trường cho thấy các cơ sở GDĐH không đứng ngoài việc phòng chống dịch do virus Corona mà còn thể hiện năng lực sáng tạo riêng của từng đơn vị. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, những sản phẩm/dung dịch do các trường làm trong thời gian cấp bách nên chưa được sự cấp phép lưu hành của ngành Y tế hay cơ quan chức năng nên tầm phủ sóng, cũng như sự chia sẻ với cộng đồng bị hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ