Trường ĐH Vinh bồi dưỡng hơn 600 giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh

GD&TĐ - Sáng ngày (11/10), Trường ĐH Vinh phổi hợp với Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) tổ chức khai mạc Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019. Khóa bồi dưỡng tập trung, trực tiếp với sự tham gia của 614 giáo viên tiểu học cốt cán của 2 địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh.

TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại lễ khai mạc bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019.
TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại lễ khai mạc bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019.

Các giáo viên tiểu học cốt cán sẽ được trang bị, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng, phương pháp dạy học cho giáo viên cốt cán đáp ứng chương trình phổ thông mới. Đồng thời sẽ là đội ngũ đi trước có vai trò chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn giáo viên đại trà tại trường học, địa phương sau này.

Chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho lớp bồi dưỡng

Dự khai mạc Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019 có PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); lãnh đạo 2 Sở GD&ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ giảng viên trường ĐH Vinh tham gia trực tiếp bồi dưỡng và học viên là giáo viên tiểu học cốt cán của 2 tỉnh.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa mới theo lộ trình sẽ bắt đầu triển khai vào năm học tới 2020 - 2021. Để chuẩn bị thực hiện có hiệu quả chương trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định, quan trọng nhất.

Có 614 giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham dự lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh.
 Có 614 giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham dự lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Cụ thể ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng, quy trình lựa chọn giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; Xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông…

Trường ĐH Vinh là 1 trong 7 trường sư phạm được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình ETEP và thực hiện tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phông thông cốt cán.

Trong đó, chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông được thiết kế mới theo 27 modun. Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dịp này do Trường ĐH Vinh chủ trì thực hiện sẽ tập huấn, bồi dưỡng mô-đun đầu tiên vê hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước khi tham gia bồi dưỡng tập trung, trực tiếp các giáo viên cốt cán đã được học qua mạng Internet.
Trước khi tham gia bồi dưỡng tập trung, trực tiếp các giáo viên cốt cán đã được học qua mạng Internet.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết: “Nhà trường cùng với các trường sư phạm chủ chốt cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc biên soạn, phát triển chương trình tài liệu bồi dưỡng; tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt để bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cho đến phương thức triển khai bồi dưỡng cũng được lựa chọn, cải tiến và chuẩn bị hết sức chu đáo.

"Quá trình bồi dưỡng được triển khai từ giảng viên SP chủ chốt đến GVPT cốt cán đến GVPT đại trà, trong suốt quá trình bồi dưỡng chương trình và tài liệu liên tục được phát triển; việc bồi dưỡng qua mạng được duy trì liên tục không hạn chế về thời gian và không gian. Vì vậy chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả và sự thành công của Chương trình bồi dưỡng lần này”, TS. Nguyễn Ngọc Hiền nói.

Chương trình bồi dưỡng được thực hiện song hành với 2 phương thức: Trực tuyến qua mạng và bồi dưỡng tập trung, trực tiếp tại Trường ĐH Vinh trong thời gian 3 ngày từ 10 - 12/10.

Giảng viên ĐH Vinh trực tiếp đứng lớp trao đổi về chương trình phổ thông tổng thể cho giáo viên phổ thông.
Giảng viên ĐH Vinh trực tiếp đứng lớp trao đổi về chương trình phổ thông tổng thể cho giáo viên phổ thông.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Hiền: Nhà trường đã cử 98 giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Đội ngũ giảng viên sư được lựa chọn để trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán của Nghệ An và Hà Tĩnh lần này là những giảng viên có năng lực chuyên môn tốt, có thực tiễn giáo dục phổ thông, và đã tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu, phát triển chương trình, tài liệu và kịch bản bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Ngoài ra Nhà trường cũng đã dành những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT và chuẩn bị chu đáo nơi ăn ở cho các giáo viên cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cũng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của Nhà trường phối hợp với các khoa, viện lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt để triển khai đợt bồi dưỡng này.

Xây dựng mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục

Trong thời gian 3 ngày bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, các giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; hướng dẫn thực hiện 19 chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

Trong đó, các giáo viên sẽ được chia vào từng lớp bồi dưỡng cụ thể theo bộ môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học xã hội, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm Nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm…

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó GĐ Chương trình ETEP phát biểu tại lễ khai mạc.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó GĐ Chương trình ETEP phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu tại khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình ETEP ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường ĐH Vinh trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ giảng viên, sắp xếp lịch giảng dạy cho khóa bồi dưỡng này. Đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với 2 địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh cử giáo viên cốt cán tiểu học tham gia bồi dưỡng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, đối tượng tác động cuối cùng của chương trình ETEP là đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông, nhưng thông qua tăng cường năng lực các trường sư phạm. Một trong những mục tiêu hướng đến cơ bản để lại cho hệ thống GDVN nói chung một mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại chỗ.
Thực hiện mô hình này, Chương trình ETEP phối hợp với các trường sư phạm triển khai 2 hệ thống: Hệ thống hỗ trợ giáo viên học qua mạng và hệ thống quản lý giáo viên qua mạng. Đó là lý do mà các giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng này đã được cấp tài khoản và học các bài học đã được cấp phép qua mạng, trao đổi với nhau trước đó.
Các giáo viên cốt cán có 3 nhiệm vụ khi tham gia bồi dưỡng gồm nâng cao năng lực bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, nhà trường và tham gia bồi dưỡng giáo viên đại trà.
Các giáo viên cốt cán có 3 nhiệm vụ khi tham gia bồi dưỡng gồm nâng cao năng lực bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, nhà trường và tham gia bồi dưỡng giáo viên đại trà.

Tham gia bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền cũng nhấn mạnh với các thầy cô tiểu học cốt cán 3 nhiệm vụ:

"Thứ nhất, tự nâng cao năng lực của mình về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học. Thứ hai, trên nền tảng đó sẽ hỗ trợ đồng nghiệp của mình tại trường, tại địa phương qua mạng Internet. Thứ ba, trong tình huống địa phương, tổ chức bồi dưỡng trực tiếp đại trà, có mặt để hỗ trợ trực tiếp, trao đổi trên cơ sở là người đi trước được bồi dưỡng, tập huấn. Vì vậy, tôi mong các thầy cô tập trung học tập với trách nhiệm bản thân và danh dự nghề nghiệp".

Đại diện Ban quản lý Chương trình ETEP cũng đề nghị các Sở GD&ĐT phát huy chức năng đội ngũ cốt cán để tạo thành cộng đồng học tập, hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương bên cạnh việc hệ thống học tập, sử dụng đội ngũ cốt cát tốt nhất trong bồi dưỡng đại trà.

Kỳ vọng, mong muốn từ cơ sở giáo dục địa phương

Thay mặt cho lãnh đạo Sở GD&ĐT của 2 địa phương, GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực, tâm huyết trách nhiệm, sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên cốt cán Trường ĐH Vinh tham gia bồi dưỡng.

Ông Thái Văn Thành - GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định vai trò quan trọng của lớp bồi dưỡng.
Ông Thái Văn Thành - GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định vai trò quan trọng của lớp bồi dưỡng.

Riêng ngành giáo dục Nghệ An đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2019 - 2024. Trong đó, năm 2019 sẽ tập trung cho bậc Tiểu học. Sở đã bồi dưỡng cho tất cả các hiệu trưởng và cán bộ Phòng GD&ĐT phụ trách quản lý tiểu học. Và hiện nay đang phối hợp với Trường ĐH Vinh bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 1.

Theo GS.TS. Thái Văn Thành, quan điểm xây dựng chương trình phổ thông mới là đi theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học, hoàn toàn khác so với truyền thống trước kia theo hướng tiếp cận mục tiêu nội dung bài học.

Vì thế, cách thức thiết kế, tổ chức dạy học theo đáp ứng chuẩn đầu ra chứ không đáp ứng sách giáo khoa nữa.

Thực tế giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ khi phát triển chương trình địa phương, chương trình nhà trường và chương trình môn học. Vì vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn các giảng viên, chuyên gia Trường ĐH Vinh trong quá trình bồi dưỡng truyền lửa, truyền cảm hứng đổi mới cho giáo viên phổ thông.

Nội dung bồi dưỡng cụ thể hóa việc soạn, giảng, thiết kế bài học trên lớp để các thầy cô áp dụng vào dạy học thực tế tại địa phương.

Ngoài những buổi học tập trung, giáo viên sẽ chia ra các lớp để được bồi dưỡng theo bộ môn phụ trách.
Ngoài những buổi học tập trung, giáo viên sẽ chia ra các lớp để được bồi dưỡng theo bộ môn phụ trách.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chia sẻ: "Hiện chúng tôi lo lắng nhất là công tác đánh giá. Làm sao các thầy cô đánh giá đúng, thực chất năng lực người học ở cả quá trình, đó là điều mà cả xã hội mong muốn.

Vì thế, tôi mong muốn Phó Giám đốc Chương trình ETEP Nguyễn Văn Hiền tham mưu Bộ GD&ĐT nhanh chóng sửa đổi điều lệ nhà tưởng theo luật giáo dục, theo các thông tư, đặc biệt là thông tư đánh giá năng lực và thông tư hướng dẫn địa phương đánh giá năng lực năng lực người học.

Không thể thực hiện chương trình mới nếu vẫn giữ nguyên cách đánh giá truyền thống. Thực hiện chương trình mới khởi nguồn là đánh giá, đây là yếu tố vừa định hướng vừa tạo động lực dạy học cho hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ