Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng - đã báo cáo khái quát về quá trình phát triển của nhà trường sau 15 năm xây dựng và phát triển.
Đồng thời nêu bật những thành tựu của nhà trường khi triển khai một số nghị quyết về xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt là định hướng chiến lược và lộ trình phấn đầu để đưa trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiến đến mô hình đại học trọng điểm vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS Đào Trọng Thi đã đánh giá rất cao những cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, GV, CNV trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong 15 năm qua.
Ông nhìn nhận trong số hơn 90 trường ĐH-CĐ ngoài công lập hiện nay, trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự khác biệt rất lớn so với các trường khác.
“ Sự khác biệt ở đây tôi muốn nói đến chính là chiến lược phát triển đúng đắn, cách thức xây dựng và phát triển đội ngũ, sự quyết liệt trong việc đầu tư cơ sở vật chất.
Đặc biệt là sự mạnh dạn đầu tư phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học trong tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường” - GS Thi nhấn mạnh.
Đánh giá về chiến lược, lộ trình phát triển của nhà trường trong tương lai, nhất là khâu kêu gọi đầu tư từ ngoài vào nhà trường (XHHGD), GS Đào Trọng Thi chia sẻ: Tôi đã từng có nhiều dịp được cùng đoàn đại biểu của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đến thăm, giám sát sự phát triển của nhà trường.
Sau một thời gian trở lại, tôi thật sự vui mừng khi thấy sự chuyển biến hết sức ngạc nhiên (từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ) tại ngôi trường này. Điều này thể hiện tầm nhìn, cách làm đúng đắn của nhà trường.
Trường Nguyễn Tất Thành đã thật sự ưu tiêu mục tiêu chất lượng trong đào tạo, chứ không phải chạy theo số lượng đào tạo như quy luật chung của các trường ngoài công lập.
Từ sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên bằng đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, GS Đào Trọng Thi tin tưởng nhà trường sẽ đạt được thêm nhiều thành tựu mới.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng thì lý do cơ bản của sự phấn đấu của trường ĐH Nguyễn Tất Thành theo mô hình đại học trọng điểm là sự thừa nhận của Chính phủ đối với những cam kết của nhà trường trong việc phấn đấu đạt tới những mục tiêu chất lượng cao, chất lượng đẳng cấp quốc tế mà không đòi hỏi việc cung cấp ngân sách từ phía Chính phủ.
Mặt khác, việc này sẽ tạo nên nhiều điều kiện mới nhằm tăng cường khả năng xã hội hóa nguồn lực ở mức độ cao hơn đối với sự phát triển của nhà trường, trong quá trình vươn lên một trường trọng điểm thực sự, và sau đó là trường đại học đẳng cấp quốc tế.