Đây là một trong những cơ sở để nhà trường xây dựng đề án tự chủ đại học để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện trong năm 2017.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: Năm học 2015 – 2016, hệ thống cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện vượt bậc, trong đó phải kể đến việc đầu tư nâng cấp đồng bộ các phòng học với hơn 50 phòng đã được cải tạo hoàn chỉnh với trang thiết bị đồng bộ.
“Nhà trường cũng đã thành công trong việc ứng dụng phần mềm Cloud – Office trong quản lý điều hành tác nghiệp, trở thành đơn vị đầu tiên trong toàn ĐH Đà Nẵng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, tiện lợi và là điều kiện tiên quyết trong công tác điều hành mọi hoạt động”.
Với đề án tự chủ, trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) quyết tâm tiến đến tự chủ hoàn toàn về tài chính nhằm “huy động, khai thác tối đa nội lực để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tiền lương, tăng đơn giá giờ giảng cho CBVC” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn nhấn mạnh.
Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng xác định, phải có chiến lược và kế hoạch đầu tư CSVC để tạo sự đồng bộ theo hướng hiện đại; các hoạt động phục vụ, hỗ trợ người học cần được quan tâm hàng đầu; duy trì và mở rộng các mối quan hệ tốt với cộng đồng doanh nghiệp để tạo tiền đề và động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo.
Dự kiến, lộ trình tự chủ đại học của các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai năm 2017 với trường ĐH Kinh tế, sau đó là trường ĐH Bách khoa và tiếp theo là trường ĐH Ngoại ngữ. Riêng trường ĐH Bách khoa đề nghị được đầu tư một lần với mức từ 60 - 70 triệu USD và xin tự chủ như trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau 3 trường này, sẽ đến các trường thành viên khác và tiến tới tự chủ ĐH Đà Nẵng.