PGS. TS Võ Thị Thúy Anh (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng): Trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả nếu kết quả kỳ thi khách quan, trung thực
Tôi cho rằng, trước hết cần làm rõ mục tiêu của phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, đó là nâng cao chất lượng học và dạy phổ thông, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, không nên đặt ra vấn đề sử dụng kỳ thi này để làm căn cứ xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Bộ GD&ĐT nên giao quyền xây dựng tiêu chí tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng và khuyến khích các trường xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên nhiều tiêu chí kết hợp.
Nâng cao khả năng đánh giá năng lực học sinh của kỳ thi và tổ chức một kỳ thi khách quan, trung thực là mục tiêu cần hướng tới.
Nhưng để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và có chế tài phù hợp với những cá nhân vi phạm chứ không nên phức tạp hóa kỳ thi.
Nếu kỳ thi THPT phản ánh đúng năng lực của học sinh, các trường sẽ sử dụng kết quả này.
Bên cạnh kết quả này, các trường có thể sử dụng kết quả học 3 năm phổ thông, kết quả của các kỳ thi theo chuẩn quốc tế như Gre, Gmat, … trong xét tuyển.
Các trường đại học, cao đẳng cũng có thể có sự phân biệt đối với các nhóm trường phổ thông theo tiêu chí xét tuyển.
Như vậy, sẽ giảm được tác động may rủi, tiêu cực trong thi tốt nghiệp phổ thông và thang điểm đánh giá của từng trường phổ thông đến kết quả tuyển chọn của các trường cao đẳng, đại học.
Thứ hai, tôi không tán thành việc sử dụng các giảng viên đại học, cao đẳng trong việc ra đề, chấm thi, tổ chức thi, coi thi do các lý do sau:
Các giảng viên đại học, cao đẳng không nắm rõ chương trình, học lực và tâm lý của các học sinh phổ thông.
Ở các khu vực không có trường cao đẳng, đại học thì phải điều chuyển giáo viên ở các khu vực sang. Chi phí cho việc này khá cao và không cần thiết vì những công việc như chấm thi, coi thi, … các giáo viên phổ thông hoàn toàn có thể làm được.
Ngoài ra, nâng cao khả năng đánh giá năng lực học sinh của kỳ thi và tổ chức một kỳ thi khách quan, trung thực là mục tiêu cần hướng tới. Nhưng để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và có chế tài phù hợp với những cá nhân vi phạm chứ không nên phức tạp hóa kỳ thi.
Hơn nữa, nếu các trường đại học có sự phân biệt đối với các nhóm trường phổ thông thì các trường sẽ phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, những trường không nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ được áp một chuẩn tuyển chọn cao hơn.
Thứ ba, tôi không tán thành việc tổ chức thi theo cụm vì 2 lý do. Một là, điều này gây khó khăn cho học sinh do phải di chuyển từ trường này sang trường khác. Lý do thứ hai là không cần thiết phải phức tạp hóa kỳ thi.
Thứ tư, về môn thi tốt nghiệp, theo tôi, nên chia thành các ban học khác nhau. Các em đăng ký học phổ thông ban nào sẽ thi các môn học của ban đó như môn bắt buộc và thi thêm các môn tự chọn khác trong nhóm các môn quy định. Không nên ấn định môn bắt buộc như nhau cho tất cả các học sinh.
Cuối cùng, việc thay đổi cách đánh giá cần phải đồng bộ với thay đổi cách dạy cũng như tư duy của hệ thống đánh giá.
Giảng viên Vũ Văn Đức (Trường Đại học Đồng Tháp): Giao mỗi trường ĐH tổ chức một số cụm thi tại mỗi tỉnh
Là một giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo tôi xin có một số trao đổi như sau:
Về môn thi: Tuy tiếp cận năng lực là xu hướng phát triển của giáo dục hiện nay và Bộ GD&ĐT chọn kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận năng lực làm khâu đột phá, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chương trình giáo dục, sách giáo khoa vẫn đang theo hướng đánh giá môn học và kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận năng lực mới được triển khai năm đầu tiên.
Bởi vậy, hình thức thi theo phương án 1 vẫn là phương án khả thi trong 1 - 2 năm tới, khi mà 2 phương án còn lại cần có thời gian để chuẩn bị.
Thứ hai, việc tổ chức coi thi và chấm thi cần phải xem xét và cân nhắc nhiều hơn. Bộ GD&ĐT nên giao cho các trường đại học (có sự phối hợp với các Sở GD&ĐT) tổ chức coi thi và chấm thi. Mỗi trường phụ trách một số cụm thi tại mỗi tỉnh như tổ chức coi thi và chấm thi đại học, cao đẳng.
Giảng viên Vũ Anh Hùng (Trường ĐH DL Hải Phòng): Nên tổ chức thi tại các trường ĐH, CĐ
Cá nhân tôi đồng tình với việc cần phải tổ chức một kỳ thi chung quốc gia. Tuy nhiên, kỳ thi này phải được tổ chức thực sự nghiêm túc, đánh giá được thực lực học sinh để vừa có thể xét tốt nghiệp THPT, vừa để khối các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng xét tuyển đầu vào.
Trong quá trình tổ chức, nên có sự phối hợp, tham gia hợp lý giữa phổ thông và đại học. Bản thân tôi đã từng tham gia tổ chức nhiều kỳ thi đại học và có thể thấy rằng đây là một kỳ thi tổ chức rất nghiêm túc.
Do đó, để đảm bảo kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới cũng đảm bảo được tính nghiêm túc như vậy, tôi nghĩ rằng, đội ngũ cán bộ coi thi nên pha trộn 50 - 50 giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học.
Địa điểm thi cũng có thể tổ chức ngay tại các trường đại học, cao đẳng vì hiện nay tỉnh nào cũng có hệ thống các trường này. Ví dụ, Hải Phòng có đến 4 trường đại học, vài trường cao đẳng với các đội ngũ chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể tổ chức thi theo cụm tỉnh được.
Riêng về phương án thi, tôi nghiêng về ý kiến mà nhiều người cũng rất đồng tình, đó là phương án 1 - thi theo môn.
Cái mới gì cũng vậy, thực hiện cần có lộ trình hợp lý để cả người dạy và người học có thể tiếp cận, làm quen. Với cách tích hợp như phương án 2 và mạnh hơn ở phương án 3, tôi cho rằng, cả học sinh và giáo viên sẽ đều lúng lúng, lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho biết, nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến của các cán bộ, giảng viên về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Theo đó, thống nhất đồng ý áp dụng phương án 2 - thi theo bài. Có ý kiến bổ sung: Bài thi môn Khoa học xã hội cần bổ sung thêm môn Giáo dục công dân (gồm Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân).
Các ý kiến cũng đồng ý tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ.
Đồng ý thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền. Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi có thành viên là cán bộ, giáo viên của sở GD&ĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ.
Lãnh đạo các Hội đồng chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và lãnh đạo Sở GDĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi quốc gia.