Trường ĐH cần có thêm vị trí việc làm là nghiên cứu viên

Trường ĐH cần có thêm vị trí việc làm là nghiên cứu viên

GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, dự thảo Thông tư quy định thời gian làm việc và thời gian nghỉ hàng năm (bao gồm cả nghỉ hè và nghỉ phép) của giảng viên là 6 tuần và giảng viên kiêm lãnh đạo/quản lý là 4 tuần là hợp lý, phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động và đặc thù của ngành Giáo dục.

Dự thảo đã tiếp nối được tinh thần tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (Luật số 34/ 2018/ QH13). Với quan điểm này, GS Đinh Xuân Khoa làm rõ:

Dự thảo quy định định mức giờ chuẩn và nghiên cứu khoa học một cách linh hoạt và giao thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.

“Tuy nhiên, điều này cũng là một thách thức đối với các trường. Bởi vì, khung giờ dạy được đưa ra là khá rộng (từ 200-400 giờ chuẩn/năm), các trường cần tính toán quy định sao cho hợp lý, công bằng phù hợp đối với từng chức danh giảng viên, đồng thời tạo mức cân bằng chung đối với các cơ sở giáo dục khác” – GS Đinh Xuân Khoa cho hay.

Với nội dung trong dự thảo định mức giờ chuẩn đối với một số trường hợp được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể theo quy định hiện hành, theo GS Đinh Xuân Khoa, cần bổ sung một số chức danh như Trưởng/Phó trưởng Bộ môn (là chức danh rất quan trọng của bất kỳ cơ sở ĐH nào), Trợ lý giáo vụ/Trợ lý đào tạo của Khoa.

Mặt khác, khi áp dụng Luật số 34, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục ĐH thì một số cơ sở giáo dục sẽ có thêm cơ cấu “Trường thuộc”. Vì vậy, nên chăng cần quy định định mức giờ chuẩn đối với các giảng viên được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo/quản lý như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa/Phòng,… của Trường thuộc.

Nhận định về quy định việc quy đổi các nhiệm vụ chuyên môn khác ra giờ chuẩn, trong đó có thể quy đổi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ra giờ chuẩn, GS Đinh Xuân khoa cho rằng đây là một điểm mới. Điều này tạo thuận lợi cho các giảng viên, nhất là các giảng viên có nhiều công trình nghiên cứu, một mặt cơ sở giáo dục ĐH có thể giảm nhiệm vụ giảng dạy cho giảng viên để tập trung nghiên cứu, một mặt ghi nhận những đóng góp của giảng viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

“Từ thực tiễn của Trường ĐH Vinh chúng tôi thấy so với QĐ 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008, dự thảo thông tư lần này theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên một vấn đề vẫn chưa được đề cập trong luật và trong các văn bản dưới luật là trong trường ĐH cần có thêm vị trí việc làm là nghiên cứu viên và quy định chế độ làm việc cho nghiên cứu viên” – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đề xuất thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.