Cơ sở ĐH Sư Phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng được sáp nhập với trường Cao Đẳng Sư phạm QN-ĐN để hình thành trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng. Ngày 26 /8/2002 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 709/QĐ-TTg thành lập trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường, GD&TĐ xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Nhà trường.
Thưa TS, xin TS cho biết những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường trong 30 năm qua?
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng đang từng ngày vươn lên cùng với sự phát triển lớn mạnh không ngừng của TP Đà Nẵng. Với phương châm “Đoàn kết - Hội nhập - Phát triển”, nhà trường quyết tâm hướng đến mục tiêu “phát triển xứng tầm là cơ sở giáo dục ĐH nòng cốt của cả nước hướng tới đẳng cấp khu vực và quốc tế”.
Là một trong 3 trường ĐH chuyên ngữ trong cả nước và là 1 trong 5 trung tâm ngoại ngữ khu vực, Nhà trường có sứ mạng “đào tạo nâng cao tri thức về ngôn ngữ, văn hóa nhân loại nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”.
Trường ĐH Ngoại ngữ hiện có 20 chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, 2 chuyên ngành bậc Thạc sĩ và 1 chuyên ngành bậc Tiến sĩ. Quy mô, chất lượng và loại hình đào tạo không ngừng nâng cao và mở rộng. Từ chỗ chỉ có 2 Khoa: Tiếng Anh và Tiếng Nga đến nay Nhà trường đang đào tạo 400 học viên Cao học và Nghiên cứu sinh, số lượng SV hệ chính quy lên đến 7.000 thuộc 7 Khoa: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật - Hàn - Thái, tiếng Anh chuyên ngành và Quốc tế học; đào tạo các chương trình tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định học hiệu trong bối cảnh toàn cầu hóa, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng không ngừng đổi mới trên mọi phương diện. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống CSVC với trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ đội ngũ, nhà trường tập trung tăng cường hợp tác với các trường ĐH có uy tín trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các DN nước ngoài tại Việt Nam như: Đại học Tây Anh (Vương Quốc Anh); Đại học Phúc lợi Xã hội, ĐH Oberin (Nhật Bản), Viện Goethe (CHLB Đức) tại Hà Nội, Đại học Pháp ngữ (AUF); Học viện Ngoại ngữ Văn Tảo, ĐH Chung Ang (Hàn Quốc), ĐH Koomin (Hàn Quốc), Đại học Dân tộc Quảng Tây Trung Quốc, ĐH Ubon Ratchathani (Thái Lan); các tổ chức KOICA, JICA, TICA, Hội đồng Anh, Văn phòng IAESTE, Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh; Tổng lãnh sự quán Nga, Tổng lãnh sự quán Lào tại TP. Đà Nẵng; Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, Quỹ Giao lưu văn hóa Việt - Hàn; Công ty CN nặng Doosan Việt Nam, Wallonie Bruxelle (Bỉ) ...
Những thành quả hôm nay là kết tinh của bao công sức và hy sinh to lớn của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức (GV,VC) và SV Nhà trường. Phát huy những thành quả và lợi thế vốn có trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, khắc phục mọi khó khăn thách thức, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHĐN chắc chắn sẽ có những bước tiến vững mạnh về mọi mặt, xứng tầm là một cơ sở giáo dục ĐH uy tín của cả nước.
Mục tiêu chiến lược mà Nhà trường đặt ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình mới? Để đạt được mục tiêu trên, phương châm và định hướng của nhà trường để đạt được mục tiêu đó?
Nhà trường thực hiện phương châm lấy đào tạo làm xương sống, lấy chất lượng đào tạo làm nền tảng, toàn trường đang triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị dựa trên 4 trụ cột: Năng động - Sáng tạo - Chất lượng - Trách nhiệm. Nhà trường đã đăng ký tham gia đánh giá ngoài và quyết tâm đạt 100% các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn chất lượng các trường ĐH, CĐ của Việt Nam theo quy định của Bộ GD&ĐT, với những giải pháp cụ thể:
- Xây dựng và đẩy mạnh “văn hóa chất lượng”. Trong năm 2016, phấn đấu tham gia được kiểm định cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo (CTĐT) bởi các tổ chức kiểm định trong hoặc ngoài nước; phấn đấu có từ 2 đến 4 CTĐT đáp ứng tối thiểu 70% các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn AUN-QA; 100% các CTĐT được kiểm định cấp quốc gia.
- Đẩy mạnh đào tạo sau ĐH, phân luồng đào tạo sau ĐH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng; quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra: 70% số Khoa chuyên môn có đào tạo sau ĐH; 20% ngành đào tạo phát triển theo định hướng nghiên cứu; Phấn đấu có thêm từ 1 đến 2 chuyên ngành có đào tạo tiến sĩ và 3 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.
- Đẩy mạnh hoạt động NCKH và trao đổi học thuật thông qua các hoạt động HTQT để đạt được mục tiêu của Trường và của ĐH Đà Nẵng là phát triển theo định hướng nghiên cứu với các chỉ tiêu: Tỉ lệ GV tham gia NCKH đạt trên 90%, định mức thời gian nghiên cứu của tiến sĩ là 30% tổng thời gian làm việc; 5% tổng số đề tài NCKH của Nhà trường là đề tài có NCS tham gia; có từ 04 đến 06 bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài; 50% các khoa có triển khai dự án hợp tác cụ thể về đào tạo hoặc NCKH;
- Xem việc phát triển đội ngũ là tố then chốt, mang tính quyết định cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển của nhà trường. Nhà trường sẽ xây dựng lộ trình, đẩy mạnh việc cử GV đi đào tạo sau ĐH để 100% GV có trình độ sau ĐH, trong đó tỉ lệ có bằng tiến sĩ phải đạt 20%, tỉ lệ có học hàm GS, PGS đạt 5%;
Và trên hết, Nhà trường luôn gìn giữ và phát huy truyền thống nhân văn, đào tạo nên những thế hệ học viên, SV giỏi về chuyên môn đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh đó là tinh thần nhân văn đã và đang được duy trì suốt 30 năm phải được lan tỏa sâu rộng trong toàn thể CBVC, GV và SV. Khẩu hiệu đồng hành cùng bản sắc ĐH Ngoại ngữ đó là “Tất cả cho chất lượng đào tạo”, “Tất cả vì SV thân yêu”.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi được hơn nửa chặng đường, là 1 trong 5 đơn vị cốt cán toàn quốc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu của Đề án, xin TS cho biết những đóng góp của trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHĐN vào những thành công bước đầu của Đề án?
Với năng lực chuyên môn và đội ngũ chuyên ngành bậc cao, nhà trường đã được Ban Quản Lý Đề án NNQG 2020 giao thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu như: xây dựng chương trình quốc gia sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh tiểu học; bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, ngôn ngữ sư phạm, kỹ thuật giảng dạy, năng lực kiểm tra đánh giá, năng lực nghiên cứu hành động, năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho Tổ trưởng chuyên môn ngoại ngữ... Đặc biệt Trường được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng, triển khai đào tạo GV cốt cán. Đây cũng là nhiệm vụ bao trùm các lĩnh vực công tác.
Nhà trường đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng kế hoạch chiến lược ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ theo Đề án NNQG 2020 giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng chuẩn CNTT dành cho giáo viên ngoại ngữ ở Việt Nam. Chủ trì xây dựng và tổ chức thẩm định chương trình bồi dưỡng giáo viên trực tuyến về CNTT trong giảng dạy tiếng Anh; tổ chức bồi dưỡng ứng dụng CNTT cho giảng viên cốt cán các Trường ĐH, CĐ trong cả nước. Xây dựng mô hình khảo thí trực tuyến và tập huấn triển khai trên toàn quốc; biên soạn và số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng CNTT cho GV tiếng Anh từ bậc phổ thông đến bậc ĐH.
Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng trong những năm gần đây đã trở thành điểm đăng cai các hội thảo quốc tế rất thành công và hiệu quả: Hội thảo với ĐH Curtin, Vương quốc Anh năm 2012; hội thảo Glocall quốc tế năm 2013; năm 2015 được Hiệp hội TESOL quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam đã lựa chọn là nơi tổ chức diễn đàn cho các chuyên gia TESOL và GV tiếng Anh thế giới trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy.
Việc liên tiếp đăng cai tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế vừa khẳng định uy tín nhà trường, vừa là cơ hội nâng cao chuyên môn cho toàn thể GV của nhà trường, góp phần tạo niềm tin vững chắc đối với xã hội và người học về chất lượng và hiệu quả.
Xin cảm ơn TS!