Trường đại học linh hoạt phương thức xét tuyển phù hợp với tình hình mới

Trường đại học linh hoạt phương thức xét tuyển phù hợp với tình hình mới

Tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng và điểm học bạ

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) là đơn vị công bố thay đổi phương án xét tuyển 2020 sớm nhất. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và thống nhất phương án tuyển sinh 2020 với nhiều điểm mới. Cụ thể, nhà trường sẽ xét tuyển theo các phương thức: Tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Điểm đáng chú ý, trường mở rộng phạm vi xét kết quả học bạ THPT 5 học kỳ (bỏ học kỳ II lớp 12), dành khoảng 40% chỉ tiêu xét tuyển thẳng học sinh giỏi các trường chuyên, trường THPT trong top 200 trường hàng đầu trong cả nước. Đồng thời, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn 30% tổng chỉ tiêu, dựa vào điểm 3 môn thi đạt từ 20 trở lên.

“Ở phương thức xét tuyển học bạ, trường nhận hồ sơ từ ngày 24/4 đến 25/6. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 10 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Phương thức xét tuyển này dựa vào điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) của từng môn theo tổ hợp (có 3 môn). Cụ thể, điểm tối thiểu nhận hồ sơ với: Trường THPT chuyên có điểm trung bình học bạ 5 học kỳ từng môn từ 6,0 trở lên; Trường THPT top 200 có điểm trung bình học bạ 5 học kỳ từng môn từ 6,5 trở lên; Trường THPT còn lại lấy điểm trung bình học bạ 5 học kỳ từng môn từ 7,0 trở lên...” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) cũng có thông tin điều chỉnh đề án tuyển sinh năm 2020 với 4 phương thức tuyển sinh: Xét theo kết quả quá trình học tập bậc THPT, tuyển thẳng, theo điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của TDTU.

So với đề án tuyển sinh công bố trước đây, TDTU điều chỉnh phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT và bổ sung thêm kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Trường dành khoảng 30% chỉ tiêu để xét theo điểm thi THPT, từ 10 - 20% chỉ tiêu để xét theo kết quả thi đánh giá năng lực của trường.

“Thi đánh giá năng lực là bài trắc nghiệm, thí sinh làm bài trên máy tính, thời gian thi khoảng 120 phút. Trường tổ chức thi đánh giá năng lực trong tháng 8/2020, sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực sẽ được công bố chi tiết trên website tuyển sinh của trường” - ThS Lê Phúc - Trưởng ban Truyền thông TDTU chia sẻ.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng nhanh chóng điều chỉnh phương án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình mới. Đối với chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi THPT, nhà trường dự kiến còn khoảng 25% tổng chỉ tiêu tuyển sinh và vẫn giữ xét tuyển theo tổ hợp 3 điểm thành phần nhưng sẽ xây dựng lại toàn bộ tổ hợp môn xét tuyển cho tất cả các ngành đào tạo của trường. 

Đồng thời, HUTECH tăng chỉ tiêu cho kỳ thi tuyển sinh riêng của trường (chiếm 30% chỉ tiêu) và xét tuyển học bạ THPT (chiếm 40% chỉ tiêu). Kỳ tuyển sinh riêng của HUTECH sẽ tiến hành xây dựng lại đề thi cho phù hợp với khối lượng kiến thức sau khi tinh giản. Còn phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM vẫn áp dụng bình thường và giữ ổn định 5% chỉ tiêu tuyển sinh.

Phỏng vấn đánh giá qua điện thoại

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), nhà trường có thêm nhiều phương án tuyển sinh mới: Thi đánh giá năng lực, xét điểm của 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và 1 học kỳ lớp 12), Phỏng vấn đánh giá qua điện thoại. Song song với các phương án cũ: Xét tuyển bằng học bạ lớp 12 (2 học kỳ), tuyển thẳng, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thông tin về phỏng vấn đánh giá qua điện thoại, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết: “Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký, tùy điều kiện thực tế, nếu ở gần có thể đến trường để tham gia phỏng vấn trực tiếp cùng Hội đồng tuyển sinh và các khoa chuyên môn. Nếu ở xa có thể phỏng vấn online Zoom. Việc phỏng vấn nhằm đánh giá năng lực, nguyện vọng học tập và trình độ của các em có nguyện vọng vào trường”.

Ngoài ra LHU áp dụng phương thức tuyển thẳng đối với HS có kết quả học tập khá (3 năm học cấp 3), HS trường chuyên, HS top 200 trường THPT trong cả nước và HS thuộc top đầu trong các trường kết nghĩa hợp tác giáo dục với LHU.

Học sinh chú ý cập nhật thông tin tuyển sinh

Trước những điều chỉnh tuyển sinh của các trường, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh HUTECH lưu ý: “Học sinh cần theo dõi, cập nhật thông tin mới nhất từ các kênh chính thống, uy tín, nhất là từ website chính thức của trường đại học mà mình quan tâm để nắm rõ thông tin. Thông qua đó, các em phân tích, lựa chọn những giải pháp phù hợp với bản thân về việc chọn trường, phương thức xét tuyển để có sự đầu tư đúng hướng”.

PGS.TS Đỗ Văn Xê - Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (HVUH, TPHCM) cho rằng: Cần phải hiểu rằng kiến thức học ở THPT chỉ là nền tảng để giúp các em có thể hiểu được các môn học ở bậc ĐH. Ngay cả khi vào ĐH, nếu chưa đủ kiến thức ở bậc phổ thông các em vẫn có thể tự bổ sung. Nếu tệ quá, trường sẽ xây dựng các môn học bổ sung kiến thức và bắt buộc SV yếu phải học các môn đó rồi mới được học tiếp các môn khác. Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương cũng lưu ý học sinh về việc sẽ có trường tổ chức kỳ thi riêng hoặc nhiều trường liên kết lại để tổ chức thi, chấp nhận dùng điểm thi do các trường khác để xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ