Tuy nhiên, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo… cũng là khoản chi lớn nhất từ những đơn vị này.
Doanh thu chủ yếu từ học phí
Thống kê được đưa ra tại Hội nghị Tự chủ giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hồi tháng 8/2022 cho thấy, Việt Nam có 5 đại học, trường đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Trong số này, có 2 đơn vị thuộc khối công lập là ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH); 3 trường thuộc khối tư thục là Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang và Trường ĐH Công nghệ TPHCM.
Theo khảo sát, tổng thu của các trường đại học chủ yếu đến từ 3 khoản thành phần: Ngân sách Nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (gồm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nguồn thu hợp pháp khác).
Theo báo cáo công khai tài chính được ĐH Bách khoa Hà Nội công bố theo quy định từ Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, tổng thu năm 2021 của đơn vị là 1.050 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng lớn nhất với 766,6 tỷ đồng (gần 74%).
Tiếp đó, ngân sách Nhà nước cấp 122,8 tỷ đồng (gần 11,7%); còn lại là các nguồn thu hợp pháp khác. Tại UEH, tổng nguồn thu năm 2021 là hơn 1.215 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 888,07 tỷ đồng (chiếm hơn 73%); còn lại là nguồn thu ngân sách, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…
Tương tự, ở nhiều trường đại học khác, học phí cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng doanh thu hằng năm, dao động 60 - 80%. Theo khảo sát của Báo Giáo dục & Thời đại, ngoài 5 trường đại học nêu trên, nhiều trường đại học khác cũng có doanh thu hàng năm trên dưới 1.000 tỷ đồng (tính theo năm 2021) như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Cần Thơ…
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, với tổng nguồn thu 1.273 tỷ đồng, khoản học phí chiếm trên 67%. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với tổng thu 1.087 tỷ đồng, khoản học phí là hơn 836 tỷ đồng (chiếm gần 77%). Còn ở Trường ĐH Cần Thơ, nguồn thu học phí là 490 tỷ đồng (chiếm hơn 52%) trong tổng nguồn thu năm học 2020 - 2021 là 934,93 tỷ đồng.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, đánh giá, tổng doanh thu của các trường đại học hiện nay lệ thuộc chính vào học phí. Trong khi đó, nguồn thu từ khoản nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của phần lớn trường rất khiêm tốn.
Theo TS Lê Viết Khuyến, thực tế này trái ngược với các nước có nền giáo dục đại học phát triển, khi học phí chỉ chiếm tỷ trọng thấp so với nguồn thu hợp pháp, khoản hiến tặng từ mạnh thường quân…
Khu thực hành Khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường ĐH Văn Lang được khánh thành tháng 7/2023. Ảnh: Mạnh Tùng |
Đầu tư ra sao?
Theo báo cáo thường niên năm 2021 của ĐH Bách khoa Hà Nội, trong tổng nguồn thu năm 2021, doanh thu hoạt động sự nghiệp là 974,8 tỷ đồng. Trường chi hơn 799 tỷ đồng cho thanh toán cá nhân (thu nhập cho cán bộ, chuyên gia, các khoản đóng góp theo lương); hỗ trợ người học, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ và các khoản chi khác. Riêng khoản chi thu nhập cho cán bộ, chuyên gia chiếm tỷ trọng lớn nhất với 564 tỷ đồng.
Đây cũng là cơ cấu chi của các trường khác. Nhờ doanh thu và các khoản chi lớn, nhiều trường phát triển về mọi mặt. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã phát triển mạnh mẽ về đội ngũ nhân sự, thu nhập cho cán bộ, giảng viên, xây mới cơ sở hạ tầng.
Năm học 2021 - 2022, trường có hơn 360 giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên, chiếm xấp xỉ 64% tổng số giảng viên toàn trường, tăng gần 20% so với 2 - 3 năm trước đó. Số lượng, chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và quy mô tuyển sinh của trường liên tục tăng.
“Chúng tôi mới khánh thành khu thực hành Khoa Răng - Hàm - Mặt với vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Đó chỉ là một phần trong chi phí đầu tư phục vụ cho người học tại trường”, đại diện trường ĐH Văn Lang cho hay.
Phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo… cũng là những khoản đầu tư lớn của Trường ĐH Văn Lang (VLU). Trong đề án tuyển sinh năm 2023 của VLU, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2022 của trường là hơn 1.758 tỷ đồng.
Với quy mô hơn 30 người, khoảng 3 năm trở lại đây, Trường ĐH FPT đều có tổng doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, hầu như trường nào cũng trích doanh thu để đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo, phát triển đội ngũ. Tuy nhiên, bài toán thu - chi ở một trường đại học không đơn giản như việc mua bán một món hàng.
Ông Tùng đưa ra ví dụ, một trường bỏ ra 100 tỷ đồng để xây giảng đường, sử dụng cho 10 năm không có nghĩa là trường này chi toàn bộ số tiền này trong năm đó. Trên thực tế, khoản chi này là 10 tỷ/năm. Hay một số trường thu học phí theo năm trước khi giảng dạy thì chưa thể tính là khoản thu, bởi chưa triển khai công việc. Khi đó, doanh thu này chỉ tính được 3 tháng (từ tháng 9 đến hết năm).
Với hầu hết trường đại học, nhất là khối tư thục, giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu lúc nào cũng lỗ, vì khi đó chi lớn hơn nhiều so với thu. Một trường đại học tư thục có tổng thu 1.000 tỷ đồng/năm nhưng có thể dành 2.000 tỷ để xây dựng cơ sở vật chất. Do đó, nếu chỉ dựa vào doanh thu/năm, sẽ khó nhận định được vấn đề “lãi - lỗ”.
“Những ví dụ này cho thấy, khoản chi chưa chắc đã là chi, mà thu cũng chưa chắc đã là thu. Đầu tư cho giáo dục là bài toán lâu dài chứ không thể tính từng năm một”, TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Một báo cáo được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) công bố hồi tháng 4/2023 chỉ ra rằng, tỷ trọng ngân sách phân bổ cho giáo dục đại học ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và các quốc gia tương đương. Năm 2019, giáo dục đại học chỉ nhận được 0,23% GDP. Nhóm nghiên cứu của World Bank cũng nhận định, các trường đại học ở Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào đóng góp của hộ gia đình (chiếm 70% tổng doanh thu).
TS Lê Viết Khuyến có nhận định tương tự và cho rằng, các trường đại học hiện nay gặp khó khăn khi bị cắt một phần hoặc hoàn toàn từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngân sách dành cho giáo dục đại học đang quá ít trong khi nguồn thu khác còn khiêm tốn. Điều này dẫn tới việc đơn vị buộc phải tăng học phí để bù đắp cho chi phí hằng năm, tức là trực tiếp đẩy gánh nặng lên người học.
Cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT có quyết định xử phạt vi phạm với 78 cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2021. Tuyển vượt chỉ tiêu là một trong những cách thức mà nhiều trường sử dụng để cứu vãn doanh thu. Bởi trong quá trình tuyển sinh, luôn có tỷ lệ thí sinh ảo. Sau 1 - 2 năm học, lại có thêm sinh viên nghỉ học. Do đó, các trường phải tuyển vượt chỉ tiêu để đảm bảo nguồn thu.