Trường đại học đặc biệt của Trung Quốc, hứa hẹn thu nhập gấp ba

Trường đại học này không chỉ đặt mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những chuyên gia về rượu truyền thống, mà còn được xem là một nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trường đại học đặc biệt của Trung Quốc, hứa hẹn thu nhập gấp ba

Sứ mệnh bảo vệ nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay còn bao gồm một trường đại học dạy sinh viên những kiến thức về rượu truyền thống.

Ngôi trường trị giá 58 triệu USD này được xây dựng trong vòng 9 tháng và nó còn mới đến nỗi những chiếc camera giám sát vẫn còn đang bọc nilong. Đây là một trong những động thái hướng đến mục tiêu tăng trưởng quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình khi các vấn đề về thương mại với Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.

Trường Đại học Baijiu đi vào hoạt động từ tháng 8 năm nay và được đồng tài trợ bởi ĐH Khoa học và Kỹ thuật Tứ Xuyên, chính quyền thành phố cũng như Tập đoàn Wuliangye có trụ sở tại địa phương.

Trường nằm ở khu vực miền núi Tứ Xuyên hiện đang dạy cho sinh viên cách pha chế rượu truyền thống được làm từ ngũ cốc, hoặc làm việc cùng với robot để một ngày nào đó có thể tự động hóa quá trình nấu rượu. Mục tiêu là biến rượu Trung Quốc trở thành một thứ đồ uống được công nhận trên toàn cầu, giống như whiskey, tequila hay gin.

Mặc dù, người ngoài thì có thể cảm thấy choáng váng vì thứ đồ uống được sinh ra từ việc làm khê cơm này. Nhà báo Dan Rather từng gọi nó là “lưỡi dao cạo lỏng”.

Nhưng những sinh viên như Luo Meixin thì tin vào tiềm năng của thứ đồ uống truyền thống.

Đeo đôi bông tai hình chai rượu, cô sinh viên khoa Hóa 19 tuổi đã phải bỏ ăn ớt và không dùng dầu gội đầu có mùi hoa cỏ để bảo vệ khướu giác của mình. Một buổi sáng gần đây, cô nâng một chiếc cốc nhựa chứa rượu chưng cất lên mũi.

“Mùi thật tuyệt” – cô nói rồi cười hài lòng.

Luo và gần 2.400 bạn học đang học cách chưng cất, kiểm tra và quảng bá rượu trong ngôi trường nằm ở khu vực Tứ Xuyên – nơi có lịch sử gắn liền với thứ rượu này giống như Kentucky gắn liền với rượu bourbon.

Zeng Xiangyu – một sinh viên của trường – cho biết: “Để không ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của cái mũi khi nếm và ngửi rượu, chúng tôi được yêu cầu ăn thức ăn nhạt. Nam sinh viên thì không được hút thuốc, còn nữ thì không được phép trang điểm”.

Zeng hiện đang học ngành Khoa học và kỹ thuật sản xuất rượu, giải thích rằng sinh viên sẽ phải súc miệng bằng nước sạch sau mỗi lần nếm thử. “Chúng tôi được dạy cách quan sát, ngửi và nếm rượu để trải nghiệm các loại rượu khác nhau và đánh giá chất lương của chúng. Trường không yêu cầu sinh viên phải có khả năng uống rượu” – cô cho biết.

Còn tất cả các giảng viên của Baijiu thì được yêu cầu phải có các chứng chỉ, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp này.

Cuộc chiến thương mại sâu sắc với Mỹ chỉ làm thúc đẩy những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Mở rộng xuất khẩu trong tất cả lĩnh vực – trong đó có cả rượu chưng cất – được xem là cần thiết để bù đắp những thiệt hại do cuộc tranh chấp thương mại kéo dài với Nhà Trắng.

Thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình được đăng tải trên các trang nhất của báo chí Trung Quốc hồi tháng trước sau khi Washington và Bắc Kinh sát phạt nhau với mức thuế quan lớn nhất, áp thuế trừng phạt ở khoảng một nửa số hàng hóa giao dịch.

Luo – một người dân bản xứ vốn trầm lặng ở Yibin, Tứ Xuyên – cho biết cô cảm thấy có sự thôi thúc trong việc đóng góp cho đất nước mình.

Cô là một trong 32 sinh viên đầu tiên của Trung Quốc đang được đào tạo để trở thành những chuyên gia về rượu chưng cất mang đẳng cấp thế giới. Cô cũng muốn dạy cho người nước ngoài về thứ đồ uống yêu thích được làm từ gạo, cao lương và các loại ngũ cốc khác này.

“Tôi hi vọng thế giới biết đến nó, ngửi nó và uống nó” – Luo chia sẻ mong ước của mình.

Ở công ty rượu Wuliangye - thương hiệu được Chính phủ hậu thuẫn lớn nhất khu vực, cũng là mạnh thường quân lớn của ĐH Baijiu, có hơn 50.000 công nhân đang làm công việc pha chế rượu trong các nhà máy khổng lồ.

Phía trên họ là hàng chục bức tượng – những nữ thần từ rượu gạo cao hơn 15 mét mong chờ một mùa vụ bội thu với chữ W viết tắt của Wuliangye trên vương miện bằng vàng. Một con cá mập khổng lồ với một con cá nhỏ trên hàm răng của nó, nhắc nhở những người công nhân nhớ rằng họ phải đứng đầu chuỗi thức ăn.

Chiến tranh thương mại không làm ông Zheng Jia – phó giám đốc trung tâm nghiên cứu công nghệ của Wuliangye - tỏ ra lo ngại. Doanh nghiệp đã thu về 4,4 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái này đang trồng ngũ cốc ở 67 ha trên đất Tứ Xuyên – và không cần nhập khẩu. Nếu thuế quan làm tăng giá đồ uống của Mỹ ở Trung Quốc, thì…

“Đó có thể là một cơ hội tốt cho chúng tôi” – ông nói. “Tôi kỳ vọng doanh số sẽ chỉ đi lên”.

Thương hiệu này cũng đang tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài. Wuliangye mới đây đã hợp tác với nhà sản xuất pha lê của Áo là Swarovski để làm ra những chiếc chai đựng rượu theo chủ đề đám cưới, trong đó có chai hình chiếc nhẫn kim cương. Wuliangye cũng bắt đầu pha chế nhiều loại rượu chưng cất có vị gần giống như whiskey nhằm lôi kéo các khách hàng phương Tây.

Sau khi ông Tập Cận Bình khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012, các nhà sản xuất rượu của Trung Quốc đã tránh xa những chai rượu có giá hàng trăm đô la – một sản phẩm yêu thích của giới chính khách và kinh doanh nước này. Họ cũng đổi tên loại sản phẩm này thành một thứ đồ uống cho toàn dân.

Số lượng bán ra kể từ đó đã tăng từ 10-20% mỗi năm – ông Luo Huibo, giám đốc ĐH Baijiu cho biết. Sự tăng trưởng này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và không thể vươn lên tầm thế giới nếu không có những tài năng mới.

“Chúng tôi đang cố gắng chia sẻ những gì tốt nhất của mình với thế giới” – ông Luo nói.

Trường đại học này cũng đang phát triển một cuốn từ điển tiếng Anh về các thuật ngữ liên quan đến rượu chưng cất để khách hàng phương Tây có thể đặt hàng những phong cách khác nhau. Ví dụ như vị nước tương, mè hay vị dứa.

Một cách quảng bá khác là họ sẽ gửi rượu tới gia đình hoàng gia Anh – nhưng chưa phải Nhà Trắng – và cho nếm thử rượu ở quán cà phê Hard Rock Café ở Los Angeles, Mỹ.

ĐH Baijiu không phải là cơ sở giáo dục đại học duy nhất ở Trung Quốc dạy các chuyên ngành liên quan đến rượu. Trường ĐH Khoa học và Kỹ thuật Tứ Xuyên cũng là một trong những trường đại học có các chuyên ngành liên quan đến rượu truyền thống. Ông Luo Huibo cho biết: “Ngành công nghiệp đang bùng nổ này cần nhiều tài năng hơn nữa, đặc biệt là những người có trình độ cao từ bậc đại học trở lên”.

Khi ĐH Baijiu được thành lập và đi vào hoạt động, gần 20.000 sinh viên chuyên ngành liên quan từ ĐH Khoa học và Kỹ thuật Tứ Xuyên sẽ được chuyển sang Baijiu. “Bên cạnh những môn học chính liên quan tới rượu, còn có các chuyên ngành khác như Quản lý kinh tế, Máy tính, Luật nhằm đáp ứng nhu cầu về sản xuất, quản lý thông minh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của ngành công nghiệp này” – ông Luo nói thêm.

Hầu hết sinh viên ở ĐH Baijiu được học một ngoại ngữ - phố biến nhất là tiếng Anh và tiếng Nhật. Họ nói về đam mê của mình với thứ đồ uống này giống như một nhiệm vụ quốc gia.

Trong phòng thí nghiệm thử rượu sáng choang, khoảng hai chục sinh viên đang âm thầm ngửi và nhâm nhi rượu trong 5 chiếc cốc thử. Sau đó, họ nhổ nó vào xô để giữ cho mình tỉnh táo.

Lei Xingyue, 19 tuổi tới từ một thành phố gần đó, cho biết cậu thích rượu từ khi còn nhỏ. Gia đình cậu xem thứ đồ uống này là một truyền thống nuôi dạy.

“Khi tôi 7 tuổi, bố tôi đã nói ‘Con phải học uống thứ này’”.

Lei muốn trở thành một người sản xuất rượu vì nhiều nhà máy trong số hơn 200 nhà máy của Tứ Xuyên đang cần người. Cậu có thể kiếm được mức thu nhập tốt theo cách rất có trách nhiệm xã hội.

“Đất nước chúng tôi cần nhiều người hơn để làm ra những loại rượu ngon hơn” – cậu nói.

Những công việc liên quan đến sản xuất rượu, nếu đòi hỏi có bằng đại học, có thể có mức thu nhập lên đến 30.000 USD/ năm – gấp 3 lần thu nhập trung bình của người dân nước này – giám đốc trường đại học cho hay.

Với Luo – người dùng một chiếc ví có họa tiết hình chai rượu để phù hợp với đôi bông tai của cô thì mục đích hấp dẫn hơn. Cô nói, thứ đồ uống này không chỉ giúp tâm trạng trở nên lâng lâng dễ chịu hơn, mà nó còn có thể thúc đẩy cho hòa bình.

“Tôi nghĩ rằng, theo văn hóa của chúng tôi, rượu có thể là một cách để kết nối với mọi người. Kết nối với người Mỹ” – Luo cho hay.

Theo Vietnamnet/The Washington Post/ The Paper

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.