(GD&TĐ) - Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại xung quanh ý kiến thực hiện quy định về tự chủ tuyển sinh trong Luật Giáo dục ĐH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học bày tỏ ý kiến không đồng tình với phát biểu của ông Trần Xuân Nhĩ.
Phó Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học |
Ông Học khẳng định: Không nên nói Bộ GD&ĐT đang vi phạm pháp luật mà chỉ là Bộ chậm có quy chế tuyển sinh mới. Sau khi có Luật cần phải có nghị định để hướng dẫn thi hành luật.
Tuy có nhiều điều khoản không cần nghị định, tự động có hiệu lực, nhưng riêng đối với điều khoản này cần phải có quy chế tuyển sinh mới theo Luật Giáo dục ĐH.
Nếu chưa có quy chế tuyển sinh mới mà các trường cứ tự do theo điều này của Luật là không thể chấp nhận được.
Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các trường có thể tự chủ tuyển sinh nhưng phải trên cơ sở quy chế về tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.
Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng vì tuyển sinh phải có quy định chung cho các trường trên cả nước. Khi không có quy định chung, các trường chưa thể tự tuyển sinh được, như thế sẽ không có sự thống nhất trên toàn quốc.
Khi nào có quy chế rồi, các trường hoàn toàn có thể tự tuyển sinh, tự tổ chức tuyển sinh, tự chấm thi, tự ra đề thi và tự xác định kết quả thi của trường mình. Nhưng cũng phải trên một khung chung, chính là quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT - thay mặt cơ quan quản lý nhà nước.
Từ xưa đến nay, chúng ta tuyển sinh đều dựa trên một quy chế chung. Những năm vừa qua là 3 chung. 3 chung đã thực hiện trên 10 năm, cũng đã đến lúc cần xem xét lại để làm thế nào đạt kết quả tuyển sinh tốt nhất. Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường lập phương án tuyển sinh trình Bộ duyệt, đó cũng là một cách.
Về nhận định cho 3 chung và điểm sàn là phi khoa học, ông Học cho rằng, nhận định này là không đúng.
Theo tôi, điểm sàn từ xưa đến nay được coi là ngưỡng tối thiểu để cho những người đã tốt nghiệp THPT có thể vào học ĐH. Trên thế giới, học sinh đã tốt nghiệp THPT là có đủ điều kiện để học các cấp cao hơn, tức vào ĐH.
Nhưng Việt Nam, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT nhiều hơn rất nhiều lượng chỉ tiêu có thể được vào ĐH vì chúng ta cơ sở vật chất, điều kiện giáo viên và nhiều điều kiện khác không cho phép có thể tuyển hết các em tốt nghiệp THPT vào ĐH.
Chính vì thế, phải có một giới hạn mà giới hạn đó, từ trước đến nay có lẽ tốt nhất vẫn là một kỳ thi. Mà đã thi chung đương nhiên phải có giới hạn là điểm sàn.
Cách đây khoảng 2 năm, các trường ngoài công lập tuyển sinh bắt đầu khó khăn, trong đó có lý do là điểm sàn. Nhưng điểm sàn không phải là tất cả.
Theo tôi, quan trọng nhất đến thời điểm hiện nay là những trường có cơ sở vật chất tốt, đủ phòng ốc, đủ trang thiết bị thí nghiệm thực hành và thư viện của chính trường mình không phải đi thuê, đảm bảo tiêu chuẩn giáo viên cơ hữu, đảm bảo về đội ngũ, có quy trình giảng dạy quản lý tốt thì thí sinh vẫn vào học.
Đa số không tuyển sinh được trong những năm vừa qua hầu hết là những trường không có cơ sở vật chất của riêng mình. Phụ huynh cũng như người học không thể chấp nhận việc phải đóng học phí cao hơn các trường công lập, trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật không tốt bằng, đội ngũ thầy giáo cũng không bằng, khi ra trường chất lượng không bằng. Đương nhiên người ta không thể vào học.
Chưa kể, học xong ra trường không tìm được việc làm, thậm chí có nhiều tỉnh tuyên bố không nhận sinh viên học các trường NCL và các hệ phi chính quy. Đó là lời cảnh báo hết sức thẳng thắn cho vấn đề chất lượng.
Hiếu Nguyễn ghi