Trước thềm xuân…

GD&TĐ - Đất trời đang chuyển mình đi nốt vòng quay vốn có của bốn mùa xuân, hạ, thu đông. Một năm mới lại về… Lòng người bỗng chốc lâng lâng trong cảm xúc đợi chờ háo hức. 

Với nhiều người, những ngày chuẩn bị cho Tết là thích nhất
Với nhiều người, những ngày chuẩn bị cho Tết là thích nhất

Giờ đây cuộc sống đã có nhiều đổi khác nhưng Tết vẫn mang đến cho con người cơ hội trở về với nguồn cội. Tết cũng là dấu lặng để mỗi chúng ta chiêm nghiệm và nhìn lại những gì đã đi qua để rồi sẽ tiếp tục trải nghiệm cuộc sống bằng cách riêng của mình.

1. Trong tiềm thức của mỗi người, Tết là điều gì đó vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Trong ký ức của tôi Tết hiện hữu trong từng cảnh vật, mỗi căn nhà, tất cả ngập tràn ấm áp yêu thương.

Bên giậu cúc tần làn khói nhẹ bao phủ quấn quýt nghe ngai ngái, nồng nồng dư vị rơm rạ mới gặt. Tết ở quê tôi có lẽ rộn rạo bắt đầu từ độ rằm tháng chạp rồi vắt qua đến ngày ông Công ông Táo lên trời.

Với tôi những ngày chuẩn bị cho Tết là thích nhất. Ngay từ vụ gặt giáp Tết, nội tôi đã chọn lựa kỹ càng từng thúng thóc mới để dành ăn Tết. Ở nông thôn nhà nào cũng vậy đều có những thửa ruộng cấy riêng độ một vài sào dành cho việc cúng tổ tiên vào dịp cuối năm.

Gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh trong chum đã sẵn, lá dong xanh mướt ngoài vườn sẽ được cắt về rửa sạch bằng nước giếng khơi. Sau lễ cúng công táo lên trời đã nghe tiếng đụng lợn râm ran.

Tụi trẻ con chỉ đợi được nghỉ học thì coi như Tết đã đến. Chừng 26, 27 các nhà xúm xít thịt lợn chuẩn bị gói bánh. Tiếng lợn kêu, tiếng giã giò thì thụp vang khắp làng.

Ông nội tôi soạn sửa bàn thờ tổ tiên lau chùi sáng bóng bộ lư hương cùng đôi câu đối trên vách. Trưa 29 sắp sửa xong mâm ngũ quả trên bàn cùng bình hoa cúc đại đóa là không khí Tết đã ngập tràn.

Dịp Tết, cho dù ở xa, các thành viên trong gia đình đều cố gắng thu xếp công việc để về cho kịp vào bữa cơm tất niên chiều 30. Tất cả những công việc ấy năm nào cũng được lặp lại nhưng mọi người đều háo hức đợi chờ như đứa trẻ mong được tiền mừng tuổi…

Rực rỡ sắc xuân
Rực rỡ sắc xuân 

2. Giờ đây, văn hóa ngày Tết cũng có chút khác biệt. Ở thành phố, không gian chật chội không có điều kiện thịt lợn, gói bánh nên các dịch vụ làm thuê phát triển. Thậm chí họ thu được bội tiền nhờ dịch vụ này.

Dạo qua các trang mạng Mua chung.com, Chợ tốt, Đặc sản Tết, Chợ Tết… bạn có thể tha hồ lựa chọn cho mình các sản phẩm có thể "mỳ ăn liền" mà không cần đụng chân đụng tay nhiều trong dịp Tết.

Bởi vậy mấy cô bạn tôi là dân công sở 23 Tết vẫn đủng đỉnh như không, chiều 30 vẫn lượn lờ mấy cửa hàng shopping chọn mua hàng giảm giá. Hỏi: "Đã chuẩn bị gì cho Tết chưa?". Cười xòa: "Đã đặt chỗ hết rồi.

Quanh đi quẩn lại Tết hết ăn ở nội lại về ngoại, việc gì phải chuẩn bị cầu kỳ ở nhà mình. Này nhé, đồ khô cũng chỉ chút ít vì vậy ngoài bánh mứt rượu thì thêm đồng bánh chưng, cây giò nhưng có nơi gửi gắm cả thành ra nhẹ tênh.

Mồng 3 mồng 4, chợ và siêu thị đã mở tưng bừng rồi, có chăng là chuẩn bị vài cân miến để phòng bị bữa sáng thay cho mì tôm đang bị lên án có chứa chất gây ung thư… Còn lại cứ chuẩn bị gọn nhẹ vài triệu biếu các cụ cho tiện là xong". Chợt thấy mình như lạc hậu khi vẫn thích về quê để hưởng một cái Tết giản dị mà tất bật…

Giới trẻ hiện nay thích nghi và hòa nhập nhanh với cái mới song không phải điều gì thời thượng cũng là hay. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã bày tỏ sự nhìn nhận sắc sảo của mình về những trào lưu đang hiện hữu trong thế giới phẳng này.

Tại sao người ta cần phải gìn giữ một nếp nhà, một tà áo truyền thống hơn là chạy theo một số đông thức thời mà đánh mất quốc hồn quốc túy.

Hàng ngàn đời nay cha ông chúng ta đã xây dựng nên non sông gấm vóc này cùng với nền văn hóa mà không dễ gì một dân tộc có được, vậy sao phút chốc lại rũ bỏ gốc gác văn hóa của mình mà chạy theo những trào lưu xa lạ?

Những phong tục mang đậm bản sắc của người Việt sẽ là niềm tự hào của mỗi chúng ta khi ta hiện diện ở bất cứ nơi đâu. Điều đáng buồn là những nét văn hóa đẹp của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị lai căng và mai một từng ngày.

Cảm nhận về cái Tết trước đây cũng không như bây giờ. Ngày xưa dù vật chất không dư dả nhưng dư vị Tết vẫn đầm ấm trọn vẹn, người ta dùng cái tình để chào đón chúc mừng khi hội ngộ.

Còn giờ đây không ít người lại xem nặng vật chất. Tiêu chí này hiện diện ngay ở quà tặng phải thật sang thật hoành tráng mới thể hiện đẳng cấp. Thú chơi tranh, chơi hoa ngày Tết của người Việt không bị mất đi nhưng đã bị tác động bởi kinh tế thị trường.

Số tiền chủ nhân bỏ ra chọn lựa cây cảnh chơi Tết càng lớn càng thể hiện đẳng cấp nếu trước kia tranh Tết mang tính phổ thông bởi cùng một chất liệu dân dã cốt ở sự vui tươi thì hôm nay người ta trầm trồ vì giá trị được đo đếm bằng tiền của bức tranh mà chủ nhân bỏ ra mua về. Những giá trị tưởng vô hình ấy đang bị cuộc sống vật chất tác động từng ngày…

3. May mắn có dịp trò chuyện cùng một số cô giáo người Việt sống ở nước ngoài, nghe các cô kể chuyện xa xứ mà thấy lòng nao nao.

Cô giáo Hương Lan theo chồng là doanh nhân sống bên Tiệp chia sẻ về nỗi niềm của mình: Nấn ná mãi cũng đành phải theo chồng sang xứ người lập nghiệp. Duyên với nghề chưa hết, cô tình nguyện dạy cho con em người Việt thứ ngôn ngữ của dân tộc. Niềm vui của cô là được thấy tất cả các em biết đọc biết viết bằng tiếng nói của quê hương mình.

Mỗi dịp Tết đến, cộng đồng người Việt ở đây đều cùng tụ họp bên hương vị của ấm trà xanh cùng bánh chưng, hộp mứt đặc sản quê nhà. Thời khắc Giao thừa thiêng liêng, mọi người cùng hướng về Tổ quốc. Trong số đó có nhiều người thầm ước một cái Tết gần nhất sẽ được đoàn tụ hưởng không khí ấm áp của mùa xuân quê nhà.

Cô giáo Phạm Thị Bích Hạnh và Nguyễn Thanh Tâm, nhiều năm sống ở Đức không giấu nổi niềm vui khi được trở về thăm quê hương. Các cô được gặp gỡ sum vầy với những người thân sau những nỗi nhớ dài.

Dù không được trở về vào đúng dịp Tết nhưng đây cũng là món quà hết sức ý nghĩa với các cô trong đợt tập huấn dành cho các GV dạy tiếng Việt tại nước ngoài.

Cô Thanh Tâm là GV Trường Sao Mai ở Đức tâm sự: Công việc của các cô mang tính chất thiện nguyện, đó là dạy cho con em của người Việt Nam sinh sống tại đây không mất đi bản sắc riêng. Không chỉ đơn thuần là dạy các em biết đọc biết viết, các cô giáo ở đây mong muốn truyền cho các em tình yêu quê nhà.

Những nét văn hóa truyền thống được các cô giới thiệu đến các em thông qua những câu chuyện dân gian hay những tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc. Cô giới thiệu với các em về lễ hội đặc biệt là phong tục Tết ở Việt Nam.

Có cô giáo dạy múa còn dày công gửi mua từ quê nhà những bộ trang phục dân gian để các em có thể vui hơn đẹp hơn trong dịp biểu diễn đón Tết.

Như vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, những người con đất Việt vẫn hướng về quê hương với những việc làm thầm lặng chăm chút giữ gìn những nét truyền thống mang bản sắc quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ