Trước thềm năm học mới: Cần địa phương quyết tâm vào cuộc

GD&TĐ - Một trong những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 vào năm học 2020 - 2021 là bảo đảm học sinh được học 2 buổi trên ngày và sĩ số học sinh trên lớp đông ở một số thành phố lớn. Giải pháp tổng thể cho vấn đề này đã có; vấn đề là sự vào cuộc, quyết tâm thực hiện địa phương.

Giờ học tại Trường THCS Thượng Nhật, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường
Giờ học tại Trường THCS Thượng Nhật, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường

Sĩ số cao chỉ tập trung ở địa bàn cá biệt

Chia sẻ về một trong những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – nhắc tới một số địa phương phát triển nóng, dân số tăng cơ học cao hoặc một số vùng trung tâm như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương… có sĩ số học sinh trên lớp đông; một số địa phương tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa cao. Tuy nhiên, khó khăn trên chỉ tập trung ở một địa bàn cá biệt, nhìn rộng ra thì quốc gia nào cũng gặp phải vấn đề này.

Tại Bình Dương, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2018 - 2019, địa phương đã củng cố hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, không để xảy ra tình trạng học 3 ca tại các trường tiểu học ở nơi có số học sinh tăng đột biến. Tuy nhiên, ở khu vực thành phố, thị xã, do phát triển mạnh công nghiệp nên công tác quy hoạch đất cho giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp. Nhiều trường học, số lớp và số học sinh cao hơn chuẩn quy định; các trường phải tăng số học sinh/lớp và giảm số lớp học 2 buổi/ngày. Một số địa phương để đảm bảo chỗ học cho học sinh phải mượn thêm phòng học của một số trường dạy nghề cùng địa bàn.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh trong báo cáo tổng kết năm học 2018 - 2019 cũng thừa nhận còn hiện tượng quá tải ở bậc học mầm non, tiểu học tại một số địa phương, tập trung ở thành phố, thị xã, khu công nghiệp, địa bàn đông dân cư (tiểu học 42 - 50 học sinh/ lớp; THCS: 50 - 55 học sinh/lớp).

Thông tin từ bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa, Sở đang hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, ở cấp tiểu học đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Sở cũng lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 để tổ chức tập huấn theo kế hoạch; đã thu thập nhu cầu thiết bị dạy học lớp 1 của các trường tiểu học trong tỉnh để lập kế hoạch mua sắm, trang bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

Trong quá trình chuẩn bị, Sở GD&ĐT được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn nhất định như việc tinh giản biên chế, còn khoảng 10% học sinh tiểu học chưa được học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh phí chi thường xuyên của các trường còn hạn hẹp... 

Chủ động cơ sở vật chất trường lớp là yêu cầu căn bản để thực hiện CTGDPT mới. Ảnh: Hữu Cường
  • Chủ động cơ sở vật chất trường lớp là yêu cầu căn bản để thực hiện CTGDPT mới. Ảnh: Hữu Cường

Địa phương cần chủ động

Chia sẻ của ông Thái Văn Tài, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng có độ mở tiệm cận với giai đoạn phát triển mới. Chương trình có vòng đời ít nhất 20 năm, do đó bước đầu có thể hơi vượt một chút so với một số vùng khó khăn. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ có nhiều chính sách phát triển giáo dục các vùng này.

 Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ tăng cường cơ sở vật chấtngay từ bậc học mầm non. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa thu hút nguồn lực cho giáo dục. Với địa phương, yêu cầu tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đảm bảo đủ lớp học cho học sinh; tăng cường tuyên truyền, phân tuyến tuyển sinh hợp lý. Ngoài việc trường học tổ chức nhận trẻ đúng tuyến, có dịch vụ bán trú tạo điều kiện cho người học, phụ huynh học sinh cũng cần chia sẻ khó khăn với nhà trường để có thể thực hiện tốt phân tuyến tuyển sinh. 
Ông Thái Văn Tài 

Về dạy học 2 buổi/ngày, một số nơi sẽ khó khăn, tuy nhiên, ông Thái Văn Tài cho biết: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025, hiện vốn đã về địa phương. Địa phương có trách nhiệm triển khai đề án cùng các nguồn vốn khác để đáp ứng đủ điều kiện dạy học.

Trên thực tế, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 đều nhấn mạnh chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Như Hà Nội, Sở GD&ĐT đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND thành phố chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp ở các cấp học.

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các khu dân cư, khu đô thị mới buộc phải có quy hoạch xây dựng trường học; chỉ đạo các quận, huyện tìm quỹ đất để xây dựng trường cũng như có phương án cải tạo, nâng cấp xây dựng trường lớp. Ở những quận nội thành không còn quỹ đất để xây trường, Sở GD&ĐT đã và đang có chủ trương tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện cho phép trường phổ thông được nâng tầng và có thể xây dựng nhiều tầng, cho học sinh đi cầu thang máy…

Với Bình Dương, năm học 2019 - 2020, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục là tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Theo đó, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1. Bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục…

Chia sẻ về “bức tranh” chung của giáo dục tiểu học, ông Thái Văn Tài cho biết: Toàn quốc có khoảng 14.000 trường tiểu học; tính bình quân, một đơn vị cấp xã có hơn 1,3 trường tiểu học. Có thể nói, thực hiện mục tiêu phổ cập ở tiểu học, đây là một thành quả lớn. Về sĩ số, một số năm trước, sĩ số bình quân ở tiểu học khoảng 28 học sinh/lớp. Tuy nhiên, với chủ trương dồn dịch điểm trường để đầu tư bài bản đón Chương trình giáo dục phổ thông mới, bước vào năm học 2019 - 2020, tính trung bình toàn quốc, sĩ số tiểu học tăng lên với gần 30 học sinh trên lớp. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày trên cả nước đạt 77,6% (năm học 2017 - 2018 đạt 74,8%). Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.