Trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn: Làm sao tránh lợi dụng "hạ giải" để làm bậy?

Trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn: Làm sao tránh lợi dụng "hạ giải" để làm bậy?

Tuy nhiên, làm sao để tránh việc lợi dụng "hạ giải" để "làm bậy" như một số dự án tương tự trong thời gian qua là vấn đề của Cầu ngói Thanh Toàn.

"Hạ giải" là phương pháp tối ưu

Như tin đã đưa, mấy hôm nay, dư luận trên báo chí và mạng xã hội đang ồn ào chuyện tỉnh Thừa Thiên –Huế cho hạ giải di tích Cầu ngói Thanh Toàn, một di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng ở Huế (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên –Huế) để trùng tu.

Có hai vấn đề liên quan đến việc trùng tu cây cầu này được dư luận quan tâm, tranh cãi. Vấn đề thứ nhất là dự kiến 3 năm nữa, di tích – cây cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam này sẽ trở thành một cây cầu lòe loẹt xanh đỏ tím vàng như trong ảnh chụp thông báo dự án.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế thì bức ảnh đó không phản ánh chính xác cây cầu sau khi trùng tu bởi chủ dự án khi in bảng thông báo đã dùng mực và font xanh màu lá nên dẫn đến sự lòe loẹt. “Tôi đã kiểm tra và yêu cầu chủ dự án thay bằng một tấm bảng khác có hình cây cầu đúng với nguyên gốc hơn” – ông Hải cho biết.

Trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn: Làm sao tránh lợi dụng "hạ giải" để làm bậy? ảnh 1
Cầu ngói Thanh Toàn đã được “hạ giải” để trùng tu. Ảnh: Phan Thanh Hải

Vấn đề thứ hai là việc trùng tu theo phương pháp "hạ giải" - đang được nhiều người hiểu là phá bỏ hoàn toàn rồi xây mới.

Thực tế thì phương pháp "hạ giải" trong trùng tu do người Nhật khởi xướng, không phải trong thời hiện đại, mà từ thời Trung thế. Và một trong rất nhiều ưu thế của phương pháp này đã được chứng minh là giúp gia cố, cải tạo lại phần móng của kiến trúc đã bị sụt lún mà các phương pháp khác không làm được.

Theo đó, cứ 20 năm, người Nhật lại tháo dỡ hoàn toàn đền Ise (ở tỉnh Mie) thờ Thái Dương thần nữ, rồi trùng tu toàn bộ ngôi đền. Tương tự, cứ 60 năm, họ lại tháo dỡ hoàn toàn đền Izumo (ở tỉnh Shimae) để trùng tu toàn bộ di tích này. Người Nhật gọi đó là fukugen (phục nguyên) di tích.

Và phương pháp này đã được UNESCO, tổ chức CCROM và ICOMOS chính thức thông qua tại hội thảo Nara về Tính chân xác (thuộc khuôn khổ Công ước Di sản Quốc tế) được tổ chức tại Nara – Nhật Bản tháng tháng 11.1994.

Để không lặp lại vết xe Hộ thành hào...

Tại Thừa Thiên -Huế, phương pháp "hạ giải" phục nguyên di tích này đã được áp dụng để trùng tu các di tích có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản và chuyển giao công nghệ: Hữu Tùng Tự (lăng Minh Mạng); điện Chiêu Kính (Thái Miếu); Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, điện Minh Thành (lăng Gia Long)...

Trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn: Làm sao tránh lợi dụng "hạ giải" để làm bậy? ảnh 2
Dự án trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn sẽ được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Phan Thanh Hải

Phương pháp này cũng được Việt Nam áp dụng để trùng tu nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc gỗ trong phạm vi cả nước thời gian qua nhưng đã có rất nhiều công trình gây tranh cãi và tai tiếng.

Nguyên nhân đến từ việc trong khi hạ giải toàn bộ công trình kiến trúc để gia cố, xử lý phần móng công trình trước khi trùng tu phục nguyên, người Nhật chỉ sử dụng sức người và các phương tiện thủ công để hạ giải di tích và chụp ảnh đầy đủ các chi tiết kiến trúc trước khi hạ giải.

Hạ giải chi tiết nào thì đánh số, ghi chép cẩn thận và bảo quản theo từng hạng mục chuyên biệt. Chỉ những chi tiết mục nát không còn sử dụng được, thì họ mới được loại bỏ và thay thế bằng các chi tiết mới, giống với chất liệu, họa tiết, màu sắc, văn tự như chi tiết bị loại bỏ.

Trong khi ở Việt Nam, lấy ví dụ gần nhất là dự án trùng tu bờ kè Hộ thành hào phía nam Kinh thành Huế, đơn vị thi công đã "hạ giải" bằng cách... phá bỏ toàn bộ rồi xây mới hoàn toàn cũng như thay thế toàn bộ vật liệu cũ bằng vật liệu mới (dùng đá hoa cương thay cho đá gan gà nguyên gốc).

Trở lại với dự án trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết trong cuộc họp mới nhất, ông đã yêu cầu địa phương và đơn vị thi công rà soát kỹ lại các khâu, tiến hành dự án cẩn thận, đúng phương án được phê duyệt, giám sát chặt chẽ...

"Sở Văn hóa cũng đã cử cán bộ tham gia hội đồng đánh giá, giám sát triển khai dự án và tôi nghĩ dự án này sẽ được thực hiện tốt" - ông Hải nói.

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.