Trung thu cho ai?

Trung thu cho ai?

(GD&TĐ)- Tết Trung thu là ngày tết dành riêng cho trẻ em nên còn có các cách gọi khác là Tết Trông trăng hay Tết thiếu nhi, Tết Nhi đồng. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, Tết Trung thu với những biến tướng của nó đã dần vượt ra khỏi khuôn khổ của ngày tết con trẻ để trở thành… tết của người lớn. 

 Trung thu “ơn nghĩa”

Trẻ em rất mong được đón Tết Trung thu vì được tặng đồ chơi, bánh nướng, bánh dẻo để phá cỗ trông trăng. Bởi vậy, chuyện tặng quà cho trẻ và trẻ được nhận quà Trung thu thì không có gì phải bàn, chỉ có điều món quà dân dã con trẻ lại đang bị người lớn dần lợi dụng với mức giá hộp bánh lên tới vài triệu đồng. Tìm hiểu thị trường bánh trung thu, chúng tôi được biết, năm nay, hãng Kinh Đô có sản phẩm Trăng Vàng Hưng Thịnh giá 2 triệu đồng/hộp; Công ty cổ phần Bibica cũng cho ra mắt nhiều loại bánh Trung thu có giá tiền từ 390 nghìn đồng/hộp đến 1,2 triệu đồng/hộp; bánh trung thu Long Đình chỉ bán riêng bánh cao cấp, giá thấp nhất 380 ngàn đồng/hộp… Hộp bánh có giá bằng cả tháng lương; còn với các loại bánh đang được bày bán nhan nhản ở các siêu thị, cửa hiệu có giá khoảng 700.000 đồng/hộp thì cũng ngốn mất 1/3 tháng lương của CBCC mới ra trường và là món hàng quá xa xỉ với một gia đình có mức sống trung bình. Nghe mức giá cao ngất ngưởng, không ít người giật mình, bánh trung thu sản xuất cho trẻ ăn hay chỉ dành cho người lớn?

Mặc dù mức giá khá cao nhưng bánh trung thu vẫn là mặt hàng bán chạy trong thời điểm hiện nay. Bởi thực tế lâu nay, cho dù không ai nói ra nhưng cứ đến dịp trung thu, mọi người lại ngầm hiểu đây cũng là dịp “chạy đua” thể hiện tấm lòng, để tri ân… Tôi có một anh bạn làm Giám đốc một doanh nghiệp tâm sự: Biết rằng Trung thu là Tết con trẻ nhưng đây lại cũng là dịp “ơn nghĩa”, thể hiện tình thân, tấm lòng của mình với các đối tác nên tôi phải dành ra vài chục triệu đồng để mua bánh trung thu, mua rượu để tặng. Bánh cũng chia thành nhiều loại, tùy theo mức độ quan trọng của đối tác để tặng loại bánh có mức  tiền cao – thấp khác nhau…

Rõ ràng, việc tặng quà nhân Tết Trung thu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của gia đình, ông bà tặng cháu, bố mẹ tặng con… Người ta mua quà tặng nhau đều có mục đích và lợi dụng dịp này để quà cáp, biếu xén. Có cầu ắt có cung, các thương hiệu sản xuất bánh trung thu trong những năm gần đây tập trung sản xuất dòng bánh cao cấp hướng đến đối tượng người lớn với các thông điệp: Kết nối thâm giao - Thêm tình bằng hữu hoặc là Trao thành ý – Bền thâm giao, Bền đẹp nghĩa tình –Gắn bó tâm giao … Tất cả những điều này đang làm mai một mục đích và hình ảnh của những chiếc bánh Trung thu truyền thống.

Trung thu cho ai? ảnh 1
Trẻ em cần những khoảng không Tết Trung thu thực sự. Ảnh Việt Thành

 “Già hoá”… đội lân

Nếu như trước đây múa Lân không chỉ là niềm mong đợi của các em thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu mà còn là của các gia đình với ý nghĩa mang lại sự may mắn, thịnh vượng thì ngày nay sự biến tướng và “già hoá” của hoạt động này đã khiến cho nhiều người dân đã chọn “thượng sách”: đóng cửa sớm... Để xin được tiền, nhiều đoàn lân chặn xe ô tô xin tiền, chừng nào khách bỏ tiền vào mũ thì "lân" mới cho đi. Nhiều đội lân chẳng tập tành gì nhiều, chỉ sắm sửa cái đầu lân, ông địa, cái trống rồi tranh thủ kéo nhau đến các hộ gia đình chỉ để kiếm tiền, vòi tiền, thậm chí còn lợi dụng múa lân để "đục nước béo cò", trộm cắp đồ khi chủ nhà lơi lỏng. Bởi vậy, cứ vào dịp này, các nhà mặt phố phải “sợ” và cảnh giác khi nghe thấy tiếng trống, hay nhìn thấy đội lân là vội vàng “đóng cửa, tắt điện” để khỏi bị làm phiền. Vì bị thương mại hoá nên các điệu múa lân dường như trở nên “già” đi và  kém phần vô tư, ngộ nghĩnh của trẻ thơ. Sự “già hoá” của các đội lân còn phải kể đến  độ tuổi của các thành viên trong đội. Nếu như trước đây, đội lân là do các em nhỏ lập nên để vừa múa vừa trông trăng phá cỗ nên rất ngộ nghĩnh thì ngày nay các đội lân trẻ nhỏ này hầu như chỉ múa cho xóm làng xem. Để thu được tiền, các đội lân phải thu nhận những thành viên có sức khoẻ và nhiều người cũng đã vượt qua ngưỡng thiếu nhi vài ba tuổi… Những đội này thường có sự “chăn dắt” của người lớn vừa là chủ đầu tư: mua đầu, trống, áo quần… vừa trực tiếp đứng ra “ký kết hợp đồng” với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tổ chức cho con cháu ở cơ quan… Các đội lân cũng “chọn mặt gửi vàng”, chỉ “nhiệt tình” đến múa ở những gia đình có “máu mặt” và chờ lấy được tiền là vội vàng rút quân… Bởi vậy, cứ mỗi  mùa Trung thu, nhiều người đầu cơ các đội lân cũng thu được bộn tiền… 

Trung thu ngày nay với sự biến tướng, “cải tiến”, “nâng cấp” từ chiếc đèn lồng cho đến chiếc bánh và điệu múa lân… nên phải chăng đang mất dần đi ý nghĩa?

Nguyên Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ