(GD&TĐ) - Bấy lâu nay, cứ ngỡ Trung Quốc chỉ có thể cạnh tranh với các cường quốc xuất khẩu vũ khí trong lĩnh vực vũ khí hạng nhẹ, nào ngờ giờ đây họ rao bán cả vũ khí công nghệ cao với giá rẻ giật mình.
Theo nguồn tin từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), đầu năm 2013 Trung Quốc đã đánh bật Anh, trở thành cường quốc đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu vũ khí. Vũ khí Trung Quốc đang “lấn sân” vũ khí Nga và phương Tây trên các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh.
Từ quyết định gây kinh ngạc của Thổ Nhĩ Kỳ
Quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 của một công ty Trung Quốc không mấy danh tiếng - China Precision Machinery Exporrt-Import Corporation (CPMIEC) với một hợp đồng trị giá 4 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cả thế giới phải giật mình.
Điều làm giới phân tích phải suy ngẫm rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và tổ chức này đã lên tiếng báo động từ khi hợp đồng mua vũ khí với Trung Quốc còn chưa được ký kết, nhưng những nỗ lực của NATO không cản được Ankara. Quyết định mua hệ thống phòng thủ HQ-9 do Trung Quốc sản xuất đã được Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào cuối tháng trước.
Theo các nhà phân tích, quyết định mua HQ-9 “Made in China” của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì cú tát trời giáng vào mặt các cơ sở công nghiệp quân sự đầy quyền uy ở Washington và Brussels. Cả thời gian dài Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống phòng không Patriot, được cung cấp bởi các công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ để bảo vệ bầu trời của họ. Hệ thống Patriot hoàn toàn tương thích với nền tảng phòng không mà các nước thành viên NATO sử dụng.
Trong khi hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc sẽ rất khó khăn để có thể tích hợp vào các thiết bị hiện có của NATO. Ngoài ra, CPMIEC còn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ bởi họ dính dáng đến chuyện cung cấp công nghệ quân sự cho Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên.
Theo Reuters, Washington đã có những động thái nhằm ngăn cản Ankara ký hợp đồng “khủng” mua HQ-9 của Bắc Kinh. Không ít nhà phân tích cho rằng, rất có thể Ankara phải từ bỏ hợp đồng này trước áp lực của Mỹ.
Tuy nhiên, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình phớt lờ những khuyến cáo từ “anh cả”. Ủng hộ quyết định này, các tờ báo lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ ra sức kêu gọi Ankara phải bảo vệ chủ quyền của đất nước và yêu cầu chính quyền ký hợp đồng mua HQ-9 của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích thì rất có thể Bắc Kinh đã qua mặt các đối thủ cạnh tranh bằng cách bán với giá bèo.
Hệ thống phòng không HQ-9 - con lai của S-300 (Nga) và Patriot (Mỹ) |
Bước đột phá của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc
Trước đây, Trung Quốc chỉ được biết đến như một nhà xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ, nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Theo con số của SIPRI, trong 5 năm (2008 - 2012), kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng 162% so với 5 năm trước đó. Trung Quốc đã xuất khẩu 6,5 tỷ USD vũ khí, vượt Anh (4,9 tỷ USD), chiếm vị trí thứ 5 trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Vũ khí của Trung Quốc được xuất sang 37 quốc gia, chủ yếu ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh. Theo số liệu của SIPRI, trong 5 năm (2008 - 2012), riêng Pakistan đã mua 3,5 tỷ USD vũ khí của Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc lại có những bước tiến nhảy vọt trong sản xuất và xuất khẩu vũ khí như vậy?
Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và khát vọng “giấc mơ Trung Quốc” đã cho phép Bắc Kinh chi phí mạnh cho quân sự. Chỉ tính riêng năm 2013, chi ngân sách quân sự của Trung Quốc đã là 114 tỷ USD, trong đó cơ bản là đầu tư mua sắm và sản xuất vũ khí.
Trong quá trình sản xuất vũ khí, Trung Quốc chủ yếu sao chép những loại vũ khí tiên tiến của Nga, Mỹ, do đó, họ có thể rút ngắn được thời gian và chi phí cho nghiên cứu. Ngoài việc bán vũ khí, Bắc Kinh chủ động chuyển giao công nghệ đối với những gói thầu lớn, huấn luyện phi công, lính tăng, nhân viên kỹ thuật cho các đối tác và cuối cùng là hạ giá.
Đơn cử như vụ thắng gói thầu 4 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã hạ nốc ao các nhà thầu “tai to mặt lớn” bằng cách hạ giá bán từ 4 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD. Ngoài ra họ còn “khuyến mại” cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng gói chuyển giao công nghệ và ưu đãi cho Ankara được sản xuất phần lớn linh kiện HQ-9 ở ngay nước họ.
Sự trỗi dậy của nhà xuất khẩu vũ khí Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu vũ khí của Nga. Về cơ bản, vũ khí Trung Quốc cùng “dòng” với vũ khí Nga. Chất lượng vũ khí cùng chủng loại của Trung Quốc có thể kém hơn của Nga nhưng đổi lại giá rẻ như bèo.
Với các nước đang phát triển, chuyện giá cả cũng hết sức quan trọng. Bằng chứng là tại cuộc đấu thầu xe tăng ở Marocco năm 2011, Marocco đã mua 150 xe tăng VT1A của Trung Quốc chứ không mua loại xe tăng T-90S hiện đại của Nga. Điều hết sức chớ trêu rằng xe tăng VT1A của Trung Quốc lại là sản phẩm cải tiến mẫu T-72 của Nga.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về chất lượng và tính năng kỹ thuật, vũ khí của Trung Quốc còn lâu mới theo kịp vũ khí Nga và Mỹ và rào cản chính là công nghệ cao - thứ mà Bắc Kinh đang còn thiếu.
Duy Long (TH)