Cô và chồng ngay lập tức đổ lỗi cho chính sách giáo dục “giảm tải” mới được thực hiện trong năm 2016. Theo chính sách này, nhà trường giảm hoặc không giao bài tập về nhà, kể cả trong kì nghỉ lễ dài.
Phụ huynh đau đầu
“Con trai tôi sẽ lên lớp 3 năm tới. Trường học giao cho cháu một kế hoạch học tập trong kì nghỉ hè, trong đó có kĩ năng đánh máy và tìm hiểu Internet” - Pan, một bà mẹ tại Changsa, tỉnh Hồ Nam, chia sẻ - “Hiển nhiên đó là quá nhiều với một học sinh lớp 3. Tôi phải giúp đỡ một phần bài tập”.
Câu chuyện của Pan đã trở nên phổ biến đối với phụ huynh Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhiều lớp học lập các nhóm WeChat (sử dụng phần mềm trao đổi bằng điện thoại sử dụng Internet) và giáo viên chia sẻ bài tập của học sinh trong nhóm rồi yêu cầu phụ huynh giám sát và kí vào bài làm của con.
Phụ huynh không chỉ phải phối hợp với nhà trường kèm con kiến thức văn hoá, mà còn bị “ấn” vào tay nhiều việc khác. Một phụ huynh cho biết con mình được giao làm các đạo cụ cho lễ Halloween mà giáo viên thừa biết rằng học sinh không thể có đủ năng lực để làm được - đương nhiên trách nhiệm sẽ được chuyển sang bố mẹ hoặc ông bà.
Theo chính sách GD quốc gia mới được sửa đổi, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và 2. Tại Tianji, học sinh không được học hơn 6 tiếng/ngày cho tới trước lớp 10.
Không có bài tập về nhà khiến cho việc tìm cách giáo dục con sau giờ học chính khoá là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh bởi nhiều người không có kĩ năng sư phạm.
Cạnh tranh không cân sức
Trong nhiều trường hợp, trẻ rơi vào sự bất công khi phải cạnh tranh với… bố mẹ của các bạn. Liu, bà mẹ có con gái 9 tuổi, kể: “Một lần, trường tổ chức một chuyến tham quan thuỷ cung và yêu cầu mỗi học sinh vẽ một bức tranh. Con gái tôi về nhà và bĩu môi nói rằng những bạn khác có bố mẹ vẽ giúp đã được cô trao giải”.
Nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội rằng bài tập của con là nỗi ám ảnh khi họ trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. “Tôi sợ con trai mình sẽ bị chế nhạo và trêu chọc nếu tôi không giúp nó làm bài tập” - một bà mẹ tại Quảng Châu kể.
Những phụ huynh đi làm về muộn phải bỏ tiền cho con tới các lớp học sau giờ học chính khoá để bảo đảm an toàn cho tới khi họ đón con. Một bà mẹ tại Bắc Kinh cho biết phải nghỉ việc để có thể đón con sau khi ngày học ở trường bị rút ngắn theo chính sách mới.
Không ít phụ huynh cảm thấy khó nắm bắt trình độ của con. Kể từ khi chính sách giáo dục mới bỏ toàn bộ kiểm tra thi cử đối với học sinh lớp 1 và 2, nhiều phụ huynh đưa con tới các trung tâm dạy thêm như Xue’ersi để kiểm tra sự tiến bộ của con. “Tôi không có cách nào biết liệu con mình có tiếp thu tốt không” - Xiong, một bà mẹ ở Nanchang chia sẻ. Những phụ huynh khác lo con họ không thể vào được trường danh tiếng nếu không có giải thưởng và điểm cao.
Theo chuyên gia giáo dục Xiong Bingqi, chính sách GD mới sẽ không hiệu quả nếu hệ thống GD dựa trên thi cử vẫn tồn tại, thậm chí còn nới rộng thêm khoảng cách trình độ giữa học sinh thành thị và nông thôn bởi học sinh thành thị có điều kiện học thêm ngoại khoá.