Trung Quốc sốc vì bị Singapore cáo buộc gây chia rẽ ASEAN

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói cảm thấy sốc khi Singapore nhận xét Bắc Kinh gây chia rẽ ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc sốc vì bị Singapore cáo buộc gây chia rẽ ASEAN
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/4. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/4. Ảnh: Reuters

Tại Diễn đàn cộng đồng ASEAN ở Jakarta, Indonesia, hôm 25/4, hai nhà ngoại giao Singapore cáo buộc Trung Quốc chia rẽ ASEAN khi đạt đồng thuận riêng với ba nước trong khối về vấn đề Biển Đông.

Phát biểu bên lề một cuộc họp giữa Trung Quốc và ASEAN, ông Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) nói ông "bị sốc" với tuyên bố của Singapore. Ông Lưu cho rằng "ý định của Trung Quốc đã bị hiểu lầm" và mỗi nước ASEAN có chủ quyền của riêng mình, Trung Quốc không có ý định "chia cắt ASEAN". Ông cũng đòi Singapore giải thích về tuyên bố của mình, Straits Times hôm nay đưa tin.

Hôm 23/4, Trung Quốc tuyên bố đạt đồng thuận với Campuchia, Lào và Brunei, rằng các nước cần xử lý tranh chấp Biển Đông riêng với Trung Quốc thay vì với tư cách một khối.

Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong chỉ trích động thái của Trung Quốc không khác gì "can thiệp" vào công việc nội bộ của ASEAN. Còn ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, cho biết việc này có thể khiến ASEAN bị chia rẽ nếu có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Tuy nhiên,ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, hôm 26/4 phủ nhận về thỏa thuận Biển Đông như Trung Quốc công bố. "Không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào, chỉ có một chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc", Phnompenh Post dẫn lời ông Siphan.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước láng giềng, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC).

Với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà một số bên cũng tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm.

Văn Việt

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.