Trung Quốc: Phạt nặng tội quấy rối tình dục trong trường học

Trung Quốc: Phạt nặng tội quấy rối tình dục trong trường học

Nghiêm khắc với những kẻ quấy rối tình dục

Mới đây, Bộ GD Trung Quốc đã ban hành quy định mới về đạo đức nghề nghiệp đối với nhân viên, giảng viên, bao gồm nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục trong khuôn viên trường ĐH. Những luật lệ này được đưa ra trong bối cảnh sau khi truyền thông nước này đưa tin, 2 giáo sư Trung Quốc đã bị cách chức do quấy rối tình dục.

Các nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc nhận định, dù đây là một bước đi cần thiết từ chính phủ nước này, nhưng quy định vẫn “chưa đủ” để hạn chế vấn đề trong khuôn viên trường, nếu không có cơ chế thích hợp nhằm tạo điều kiện cho nạn nhân có thể báo cáo một cách dễ dàng.

Trong một tài liệu được Bộ GD Trung Quốc công bố vào ngày 16/12/2019, nhân viên học thuật có thể bị kỷ luật hoặc thậm chí mất việc vì những hành vi liên quan đến quấy rối tình dục.

Đây được coi là một phần của nỗ lực tăng cường giám sát đối với đạo đức giáo viên, bao gồm các hành vi sai trái trong giảng dạy, đạo đức và tham nhũng tại trường học. Bộ GD cũng tuyên bố sẽ không khoan nhượng với những kẻ quấy rối tình dục trong trường học.

Qian Fengsheng - PGS, giảng viên Khoa Kế toán tại Trường ĐH Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đã bị sa thải vào ngày 9/12/2019 sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục SV nữ.

Trong một trường hợp khác được công bố vào ngày 11/12/2019, Feng Renjie, Trợ lý GS Khoa Khoa học Toán học tại Trường ĐH Bắc Kinh, đã bị thu hồi chứng chỉ giảng dạy do bị cáo buộc quan hệ tình dục với ít nhất 9 nữ SV tại trường.

Theo các quy tắc mới được công bố bởi Bộ GD và 6 Bộ khác của Trung Quốc vào ngày 16/12 về việc củng cố và cải thiện đạo đức giáo viên, một nền tảng trực tuyến sẽ được thiết lập để nạn nhân có thể báo cáo các hành vi sai trái của học giả, kể cả quấy rối tình dục.

Ông Ren Youqun, Giám đốc Khoa Công tác giáo viên thuộc Bộ GD Trung Quốc, cho biết: “Tháng 11/2018, chúng tôi đã ban hành 3 hướng dẫn về cách ứng xử chuyên nghiệp dành cho giáo viên.

Tất cả đều quy định rõ ràng rằng, người dạy không được phép có mối quan hệ không đúng đắn với HS dưới mọi hình thức. Bất kỳ hành vi đe dọa và quấy rối tình dục nào trong trường cũng đều bị nghiêm cấm và những kẻ vi phạm sẽ phải chịu biện pháp trừng phạt nghiêm khắc”.

Cũng theo ông Ren, để đối phó với các sự cố gần đây, Bộ GD nước này đã chỉ đạo các tổ chức GD điều tra một cách nghiêm túc và hợp tác với các cơ quan tư pháp để làm rõ vấn đề. “Chúng tôi phải tăng cường giám sát và điều tra các vi phạm, để có thể khiến những người phạm tội phải trả giá đắt”, ông Ren nhấn mạnh.

“Quấy rối không chỉ là vấn đề đạo đức”

Bà Lu Pin - nhà hoạt động nữ quyền và là người sáng lập nền tảng trực tuyến “Giọng nói nữ quyền”, cho hay: “Quy định mới là một dấu hiệu cho thấy, quấy rối tình dục sẽ bị cấm tại trường học. Tuyên bố này không hoàn hảo nhưng chắc chắn là một sự cải tiến. Tuy nhiên, chúng tôi cần biết thêm chi tiết về các cơ chế”.

Ngoài ra, bà Lu cũng lưu ý, hiện tại, không có trường ĐH nào tại Trung Quốc có cơ chế đặc biệt để giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục. “Chúng tôi không có cách nào đáng tin cậy để ngăn chặn hoặc trừng phạt loại hành vi này”, bà Lu nói.

Trong một cuộc khảo sát gần đây đối với 42 trường ĐH hàng đầu Trung Quốc tham gia dự án ĐH thế giới năm 2019 của Bộ, có tới 34 trường đã thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức đối với giáo viên, nhưng 9 trường ĐH không đưa ra các quy định về quấy rối tình dục. Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 6/42 trang web chính thức của các trường ĐH này công bố những khiếu nại về đạo đức của giáo viên.

Các nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc nhận định, một cơ chế phù hợp trong các tổ chức GD là vô cùng cần thiết, chẳng hạn như các kế hoạch đào tạo giáo viên trong việc giải quyết quấy rối tình dục, hay thiết lập các kênh thích hợp để SV khiếu nại, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và các thủ tục để xử lý sự cố.

“Chúng tôi không đồng ý rằng, vấn nạn quấy rối tình dục nên được coi là một vấn đề đạo đức. Quấy rối tình dục là vi phạm nhân quyền, không chỉ là vấn đề đạo đức. Thử thách chúng ta đang gặp phải chính là thiếu luật sư và sự hỗ trợ để giúp nạn nhân trả tiền cho luật sư”, bà Lu nhận định.

Các nhà hoạt động ủng hộ phong trào #MeToo ở Trung Quốc cho biết, họ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục. Chia sẻ với truyền thông, bà Lu cho hay, phong trào #MeToo vẫn đang được tiếp diễn và ngày càng mang lại sức ảnh hưởng to lớn kể từ đầu năm 2018.

“Phong trào đã thành công khi có nhiều người tham gia và nhiều người nói về quấy rối tình dục. Vì vậy, bạn có thể hiểu tại sao Bộ GD đưa ra những quy định mới, bởi họ đã bị tác động bởi công chúng và sự phát triển của cộng đồng #MeToo”, bà Lu nói.

Các nhà hoạt động nhận định, đơn giản là, sự ủng hộ cho phong trào cũng như các vấn đề do quấy rối tình dục gây ra đã trở nên quá lớn, khiến chính phủ không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, bà Lu cho rằng, nếu không có cơ chế thích hợp, tình trạng quấy rối tình dục sẽ không được giải quyết triệt để và chỉ dừng lại ở một vài trường hợp cụ thể. “Sẽ chỉ một vài trường hợp riêng lẻ bị phơi bày bởi một hoặc nhiều nạn nhân”, bà Lu nhận định.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.