(GD&TĐ) - Ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc. Ngoài việc ghé thăm Nga, ông Tập còn thăm 3 nước châu Phi, nơi các hợp đồng nhiều tỷ USD được ký kết theo nguyên tắc “nguyên liệu đổi lấy các khoản vay”.
Đến thăm Tanzania, Nam Phi, Congo, ông Tập muốn đạt được 2 mục đích. Thứ nhất, cần phải chứng minh rằng, trong việc xây dựng mối quan hệ với châu Phi, ông nhận được sự ủng hộ không kém so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. (Trong 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, doanh số thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi tăng 20 lần, đạt 200 tỷ USD vào năm 2012); Thứ hai, ông Tập phải trấn an giới tinh hoa của châu Phi khi mối lo ngại của họ về sự “bành trướng của Trung Quốc ở châu lục ngày một gia tăng”.
Một trong những biểu hiện rõ nhất là cách đây chưa lâu, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nigeria Lamido Sanusi có bài đăng trên tờ Financial Times kêu gọi châu Phi hãy “thoát khỏi những ảo tưởng về Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tanzania |
Trước chuyến công du châu Phi của ông Tập vài ngày, Tân Hoa Xã có bài viết khẳng định Trung Quốc không có ý định di dân đến châu Phi, rằng trong 2.000 công ty Trung Quốc ở lục địa này có tới 85% nhân viên là người bản địa. (Theo thông tin không chính thức, hiện có khoảng 1 triệu người Trung Quốc ở châu Phi).
Tại Tanzania, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ “tôn trọng phẩm giá và độc lập của các quốc gia châu Phi”.
Cùng với cam kết về chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ cung cấp 20 tỷ USD vốn vay ưu đãi đến năm 2015 và đào tạo miễn phí cho 30 ngàn chuyên gia cùng 18 ngàn sinh viên châu Phi. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete đã tham dự lễ ký kết 16 thỏa thuận, chủ yếu là đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và khu vực ngân hàng của Tanzania. Rốt cuộc, Tổng thống Kikwete khẳng định, cáo buộc Trung Quốc thực hiện chính sách “thực dân mới” ở châu Phi là hoàn toàn không công bằng.
Ở Nam Phi, Tập Cận Bình và Tổng thống Jacob Zuma tham dự nhiều cuộc đàm phán và ký kết với những hợp đồng nhiều tỷ USD, đến mức ông Jacob Zuma phải đến muộn trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga V.Putin tận 3 tiếng đồng hồ. Hợp đồng lớn nhất là thỏa thuận giữa Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Tập đoàn Cơ sở hạ tầng Nam Phi Transnet. Theo đó, Trung Quốc cung cấp khoản vay 5 tỷ USD cho việc hiện đại hóa các cảng và đường sắt của Nam Phi mà các công ty Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị. Lẽ dĩ nhiên, dự án này sẽ góp phần tăng xuất khẩu các nguồn tài nguyên của châu Phi vào Trung Quốc. Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tuyên bố sẽ để 3% lượng dự trữ quốc tế của họ bằng đồng nhân dân tệ. Đây là chuyện chưa từng có bởi nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử nước này đến thăm đất nước giàu tài nguyên Congo. Theo các con số thống kê, kim ngạch thương mại của Trung Quốc và Congo tăng từ 290 triệu USD (năm 2002) lên 5 tỷ USD (năm 2012). Mặt hàng chủ yếu của quan hệ thương mại Trung Quốc - Congo là dầu lửa. Congo cung cấp cho Trung Quốc 5,9 triệu tấn, bằng 2% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Sau chuyến thăm của ông Tập, tất cả các chỉ số này sẽ được tăng lên. Bắc Kinh và Brazzaville đã ký 16 thỏa thuận bao gồm việc xây dựng cảng biển ở Pointe-Noire, xây dựng nhà máy điện với công suất 19 MW. Trung Quốc dành cho Congo khoản vay ưu đãi trị giá 30 triệu USD, cam kết xây dựng 200 ngôi nhà và 1 trường học tại một quận của thủ đô, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của vụ nổ đạn.
Theo các nhà phân tích, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo duy nhất của các nước BRICS đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh ở Dubran (Nam Phi) như một cái cớ để củng cố và phát triển vị thế của Trung Quốc tại lục địa đen.
Duy Long (TH)