Trung Quốc cân bằng dòng chảy du học sinh

GD&TĐ - Số sinh viên nước ngoài du học Trung Quốc tiếp tục tăng - đạt 442.773 người trong năm ngoái, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc. Với xu hướng này đưa Trung Quốc đi đúng lộ trình thực hiện mục tiêu đón nửa triệu du học sinh quốc tế vào năm 2020. Đồng thời giảm bớt sự mất cân đối giữa dòng chảy sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài với dòng chảy du học sinh nước ngoài vào Trung Quốc.

Trung Quốc cân bằng dòng chảy du học sinh

Chính sách vĩ mô phát huy hiệu quả

Hàn Quốc là nước có đông sinh viên du học Trung Quốc nhất, với 70.540 sinh viên – tức xấp xỉ 16% tổng số sinh viên quốc tế tại Trung Quốc. Mỹ chiếm 5,4% tổng số sinh viên quốc tế, đứng thứ hai với 23.838 sinh viên. Thái Lan đứng thứ ba nhưng chỉ kém một chút với 23.044 sinh viên.

Sinh viên nước ngoài du học Trung Quốc đã tăng liên tục trong 5 năm qua, tăng 35% so với năm 2012.

Hàn Quốc sẽ vẫn là nguồn cung du học sinh lớn nhất trong tương lai gần, theo chuyên gia tư vấn du học Ben Newman. “Ước tính vào lúc này có hơn 700.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Trung Quốc. Nếu tính cả du khách ngắn hạn, có khoảng 2 triệu người Hàn Quốc tại Trung Quốc vào bất cứ thời điểm nào, nhiều thành phố chính ở Trung Quốc có cả “phố Hàn”.

“Một loạt chính sách ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc góp phần vào mức tăng du học sinh ấn tượng” – nhận xét của Xu Tao, Giám đốc Vụ Hợp tác và trao đổi quốc tế, Bộ GD.

Có thể kể đến “10.000 học bổng chính phủ mỗi năm dành cho các nước dọc theo “một vành đai, một con đường” – Xu Tao nói. Đề xướng “một vành đai, một con đường” gồm mạng lưới khoảng 60 quốc gia, phủ rộng tại châu Âu và châu Á. Khoảng 207.000 du học sinh đến Trung Quốc năm ngoái từ mạng lưới các quốc gia “một vành đai, một con đường”.

Sự góp mặt của các trường nhánh quốc tế như ĐH Nottingham Ningbo Trung Quốc (UNNC) với chất lượng giảng dạy đạt chuẩn quốc tế là một yếu tố khác thu hút sinh viên nước ngoài. UNNC có sinh viên từ các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Nauy và từ châu Phi như Tanzania, Ghana và Nigeria.

Nới lỏng quy định việc làm sau khi tốt nghiệp là một nhân tố quan trọng nữa hấp dẫn sinh viên nước ngoài. Học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường ĐH Trung Quốc có bằng thạc sĩ trở lên có thể xin thị thực làm việc trong 1 năm sau khi tốt nghiệp.

Cân bằng dòng chảy du học

Bên cạnh thu hút du học sinh nước ngoài, việc góp mặt các trường nhánh nước ngoài có danh tiếng cũng giúp giữ chân du học sinh Trung Quốc ở lại trong nước học tập. Qua đó kìm lại làn sóng du học sinh đổ ra nước ngoài mang theo lượng ngoại tệ khổng lồ cùng với chảy máu chất xám.

Yu Minhong, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn New Oriental Education and Technology, đồng thời là thành viên Ủy ban tư vấn chính sách quốc gia, ước tính số du học sinh Trung Quốc ra nước ngoài hàng năm sẽ đạt đỉnh ở mức 700.000 - 800.000.

“Dựa trên phát triển kinh tế Trung Quốc và tăng thu nhập hộ gia đình, số du học sinh Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới. Sau đó sẽ dao động theo tỉ lệ sinh và nền kinh tế hàng năm” – Yu nhận định.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, 544.500 người Trung Quốc du học nước ngoài trong năm ngoái, gấp hơn 3 lần con số 179.800 người du học nước ngoài năm 2008.

Yu ước tính, vào giai đoạn đỉnh điểm, khoảng 80.000 - 100.000 học sinh Trung Quốc du học ở bậc tiểu học và THCS; 400.000 - 500.000 du học bậc đại học; 50.000 - 100.000 du học các trường nghề.

Trong năm ngoái, sinh viên nước ngoài du học Trung Quốc đến từ 205 quốc gia, trong đó châu Á chiếm quá nửa – khoảng 60%; tiếp theo là châu Âu 18% và châu Phi 11%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.