Trưng bày tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm: Biểu tượng đấu tranh bảo vệ lãnh hải

GD&TĐ - Tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng như trang trí khuôn viên, cây xanh, điện chiếu sáng, di dời một số trụ đèn để tạo không gian mở tại khu vực nơi đặt tàu cá ĐNa 90152. Thời điểm này, 5 năm trước, tàu cá ĐNa 90152 đã bị đâm chìm trong đợt Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng biển Việt Nam.

Tàu cá ĐNa 90152 những ngày đầu mới được di chuyển về Nhà trưng bày Hoàng Sa
Tàu cá ĐNa 90152 những ngày đầu mới được di chuyển về Nhà trưng bày Hoàng Sa

Chứng tích bảo vệ chủ quyền

Sau gần 5 năm được trục vớt và đưa lên bờ, nằm im lìm trong bãi sửa chữa của Hợp tác xã Trục vớt đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tàu cá ĐNa 90152 đã được đưa về khuôn viên của Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Vỏ thân tàu cũng đã được sơn lại nhưng vẫn giữ được tinh thần của một vật chứng từng cùng với ngư dân Đà Nẵng bám biển quê hương trong những ngày biển Đông “dậy sóng”. Tàu được dựng trên khung đỡ bằng sắt, hai bên tàu được trang trí bằng mặt đá tạo hình con sóng.

Vào thời gian này 5 năm trước, tàu ĐNa 90152 với 10 ngư dân đang hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, cách vị trí giàn khoan HD981 được hạ đặt trái phép chừng 17 hải lý thì bị một tàu sắt của Trung Quốc rượt đuổi, đâm chìm.

Điều đáng nói là không chỉ bỏ mặc 10 ngư dân chới với giữa biển khơi, các tàu của Trung Quốc còn ngăn cản các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến hành trục vớt, cứu tàu. Rất may mắn là toàn bộ ngư dân trên tàu ĐNa 90152 được các tàu cá gần đó cứu thoát. Tàu cá ĐNa 90152 sau đó được lai dắt về âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và được trục vớt lên đặt ở bãi sửa chữa, đóng tàu của Hợp tác xã Trục vớt đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An.

Do tàu hư hỏng quá nặng, vợ chồng anh chị Huỳnh Thị Như Hoa - Trần Văn Vốn quyết định đóng tàu mới để ra khơi, còn tàu ĐNa-90152TS dùng làm bằng chứng khởi kiện Trung Quốc, đòi bồi thường thiệt hại và hiến tặng cho Nhà nước với mong muốn TP Đà Nẵng sẽ tổ chức bảo quản, trưng bày một bằng chứng có giá trị lịch sử, góp phần thực hiện nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Ngay sau khi được kéo vào bờ, con tàu “nổi tiếng” này đã thu hút rất đông người dân địa phương, lãnh đạo các cấp và cả du khách quốc tế đến thăm, như để tận mắt chứng kiến những “thương tích” của tàu ĐNa 90152.Con tàu như một nhân chứng lịch sử, trở thành một biểu tượng cho sự dũng cảm, kiên cường của ngư dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Vẫn nguyện làm mắt biển giữa trùng khơi

Chia sẻ lý do gia đình quyết định hiến tặng con tàu cho Nhà nước, anh Trần Văn Vốn thật lòng: “Bên thành phố có cử đại diện đến gặp gia đình đặt vấn đề mua lại tàu để trưng bày khi Nhà bảo tàng Hoàng Sa đi vào hoạt động, nhưng tui nghĩ, với ngư dân, tàu cũng như con cái, nhà cửa, đó không đơn thuần là tài sản mà còn là linh hồn của mình, ai nỡ bán đi.

Nhà nước cần thì gia đình chúng tôi hiến tặng. Cũng coi như mình góp thêm bằng chứng để cộng đồng quốc tế hiểu thêm những tranh chấp đang xảy ra trên vùng biển Hoàng Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mà tàu cũng hư hết rồi, có sửa lại cũng tốn gần như đóng tàu mới”.

Sau khi tàu ĐNa 90152 được lai dắt vào bờ, gia đình anh Trần Văn Vốn quyết định đóng mới chiếc tàu cá khác để tiếp tục ra khơi. Tàu ĐNa 90657 được xem là con tàu cá có lịch sử đặc biệt, bởi nó không chỉ là sự đầu tư tiền của, tâm huyết của gia đình ngư dân Trần Văn Vốn mà có cả sự đóng góp của tấm lòng người dân cả nước.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng dùng ngân sách để hỗ trợ gia đình đóng mới con tàu này. Anh Vốn cho biết, tàu được đầu tư hơn 7,5 tỉ đồng, trong đó, gia đình anh được Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Đà Nẵng hỗ trợ vay gần 4 tỉ đồng theo chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu với lãi suất ưu đãi. Tàu được đóng theo mẫu thiết kế của Thái Lan với công suất gần 1.000 CV, dài 21,5m, rộng 6,2m, cao 3,5m, chịu được gió cấp 11 sẽ hành nghề lưới vây trên ngư trường Hoàng Sa.

Dù việc đi biển những năm gần đây không thuận lợi như trước, nhưng anh Vốn cho biết, gia đình vẫn tiếp tục ra khơi, đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa.

“Ngư trường truyền thống của mình, mình phải giữ chớ. Ngư dân tụi tui đi biển bây giờ không chỉ đơn thuần là vì mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - anh Vốn khẳng khái.

Anh Vốn chia sẻ rằng, sau khi tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm, gia đình anh đã nhận được rất nhiều sự động viên của người dân từ mọi miền đất nước và cả quốc tế. “Chúng tôi quyết tâm đóng mới con tàu to hơn, công suất máy lớn hơn để tiếp tục bám biển quê hương. Đó không chỉ là tàu của gia đình tôi mà còn là tấm lòng của nhiều người dân gửi gắm vào đó”.

Về hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, anh Trần Văn Vốn cho biết, thời điểm sau khi các cơ quan chức năng quyết định lai dắt tàu ĐNa 90152 về đất liền, gia đình anh sau đó đã gần như hoàn tất hồ sơ. “Nhưng rồi sau đó, tại một số địa phương, nổi lên tình trạng nhóm người xấu lôi kéo công nhân đập phá máy móc, nhà xưởng của các công ty có chủ đầu tư đến từ Trung Quốc và Đài Loan, nên gia đình chúng tôi không muốn tạo thêm điểm nóng, vì vậy hồ sơ cũng chưa được gửi đi” - anh Vốn kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.