Trump và phát ngôn nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử Mỹ

Trước hàng chục triệu khán giả theo dõi cuộc tranh luận cuối cùng giữa các ứng viên tổng thống, Trump từ chối khẳng định công nhận kết quả bầu cử mà chỉ nói "đến đó rồi tính".

Trump và phát ngôn nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử Mỹ

Trong buổi tranh luận lần 3, cũng là cơ hội cuối cùng để Trump gỡ điểm sau 2 lần thất bại trước bà Clinton, ứng viên của đảng Cộng hòa ít nhiều đã thể hiện một phong thái khác. Ông tỏ ra bớt hung hăng hơn, các câu trả lời bổ sung nhiều chi tiết hơn, bày tỏ quan điểm nhiều hơn chứ không chỉ là tấn công cá nhân, sử dụng giấy để ghi chú ý cần nói...

Tuy nhiên, thay đổi đáng quan ngại nhất của Trump là khi ông từ chối khẳng định công nhận kết quả cuộc bầu cử. So với lần tranh luận đầu tiên, vị tỷ phú đã nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu Hillary chiến thắng". Đêm 19/10 (giờ địa phương), ứng viên của đảng Cộng hòa 2 lần từ chối trả lời thẳng câu hỏi của người điều phối, mà chỉ nói sẽ quyết định vào thời điểm có kết quả bầu cử.

Trump va phat ngon nguy hiem chua tung co trong lich su My - Anh 1

Donald Trump tỏ ra điềm tĩnh và kềm chế trong đêm tranh luận cuối nhưng vẫn khiến người xem nhiều phen kinh ngạc. Ảnh: AP.

Phát ngôn chấn động trong 240 năm

Nhiều khán giả tại buổi tranh luận bất ngờ trước phát biểu này của Trump. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ suốt 240 năm qua.

Các cuộc bầu cử tại Mỹ đều chứng kiến khoảnh khắc người thua cuộc chấp nhận kết quả và kêu gọi cả nước đồng lòng để ủng hộ nhà lãnh đạo mới. Điều này từng được thể hiện qua những cuộc tranh đua giữa ông John F. Kennedy và Richard M. Nixon năm 1960, hoặc khi ông George W. Bush đánh bại Al Gore hồi năm 2000, dù các chỉ số rất sít sao.

Trước câu trả lời của Trump, bà Clinton thốt lên "thật kinh hoàng", rồi phản bác ngay sau đó: "Đây không phải cách nền dân chủ của chúng ta vận hành. Ông ta đang phỉ báng, hạ thấp nền dân chủ Mỹ. Tôi không thể nghĩ ứng viên của một chính đảng lại có quan điểm như vậy".

Lập trường của Trump đe dọa một trong những nguyên tắc cơ bản của chính trị Mỹ. Đó là sự chuyển giao quyền lực hòa bình, không tranh chấp, từ tổng thống mãn nhiệm sang người kế vị, cũng là ứng viên chiến thắng được công nhận sau bầu cử.

Người điều phối buổi tranh luận, nhà báo Chris Wallace, cũng nêu quan điểm khi đặt câu hỏi cho Trump về truyền thống đoàn kết đất nước của các ứng viên tổng thống dù thua cuộc. Ông ngụ ý rằng quan điểm của Trump có thể dẫn đến một bước ngoặt chưa có tiền lệ cho đất nước, nhưng Trump dường như không thèm quan tâm.

Tỷ phú Mark Cuban, một trong những người ủng hộ nhiệt huyết của bà Clinton, cho rằng câu trả lời của Trump "như cái tát vào mặt tất cả người Mỹ, hiến pháp và nền dân chủ của chúng ta". "Đó là những giá trị khiến chúng ta tự hào nhưng ông ấy thì coi thường", Cuban nói.

Trump va phat ngon nguy hiem chua tung co trong lich su My - Anh 2

Việc Trump từ chối công nhận kết quả bầu cử khiến nhiều người lo ngại về giai đoạn chuyển tiếp hậu bầu cử ở Mỹ. Ảnh: AP.

Đảng Cộng hòa bối rối

Con gái của Trump, cô Ivanka, và phó tướng đồng hành là Thống đốc Mike Pence từng cố gắng đỡ lời cho ông trùm bất động sản; nói rằng Trump sẽ công nhận kết quả bầu cử. Trên thực tế, phát biểu đêm 19/10 của Trump đã được giới quan sát lường trước sau một thời gian dài vị tỷ phú nỗ lực cáo buộc cuộc bầu cử được dàn xếp và có gian lận.

Bà Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2008, nói: "Tôi không thể khẳng định cuộc bầu cử là gian lận vì nó vẫn chưa diễn ra. Nhưng chúng ta hãy hy vọng rằng những cử tri hợp pháp sẽ hoàn thành nhiệm vụ và kết quả sẽ được chấp nhận". Palin từng tuyên bố ủng hộ Trump ngay từ giai đoạn bầu cử sơ bộ.

Sean Spicer, chiến lược gia hàng đầu của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, nói đảng này sẽ "tôn trọng chọn lựa của người dân" nhưng từ chối bình luận về phát biểu của Trump.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối câu trả lời của Trump. "Nếu ông ta thua thì không phải vì hệ thống bị gian lận, mà vì Trump không phải là một ứng viên xứng đáng", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (bang South Carolina), nói.

Bà Graham cáo buộc phát biểu của Trump gây tổn hại to lớn cho đất nước, trong khi thượng nghị sĩ Jeff Flake (bang Arizona) nói ông tái mặt sau khi nghe câu trả lời của Trump.

Trong vòng vây của phóng viên sau buổi tranh luận, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Kellyanne Conway nỗ lực diễn giải lại ý định của ứng viên này. "Ông Trump chắc chắn sẽ tôn trọng kết quả bầu cử, vì ông ấy sẽ thắng. Ý của ông Trump là sự gian lận có thể xảy ra tràn lan, và chúng ta phải đợi để xem điều gì sẽ xảy ra", Conway giải thích.

Theo bà Conway, việc cáo buộc Trump đe dọa truyền thống chuyển tiếp hòa bình là "không công bằng". "Bạn phải nghe tất cả những điều Trump nói. Như Al Gore thoạt đầu cũng không chấp nhận kết quả nhưng sau đó đã chấp nhận thất bại trước Bush", bà nói.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ