Trump: Nếu muốn được Mỹ bảo vệ, NATO phải làm tròn bổn phận với Mỹ
Ngay trước khi nhận đề cử, chính thức trở thành Ứng viên đại diện Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ , tỷ phú Donald Trump đã trả lời phỏng vấn New York Times, và đưa ra một số quan điểm đáng chú ý, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ - NATO.
Mỹ chỉ can thiệp nếu như…
Trong suốt 45 phút trao đổi, rõ ràng Donald Trump đã khiến người khác hoài nghi về cam kết của ông đối với chế độ tự động bảo vệ đồng minh NATO khi bị tấn công của Mỹ.
Trump nhấn mạnh: Trước tiên, ông sẽ nhìn vào những gì mà nước đó đã đóng góp cho liên minh.
Trump cũng đề cập tới cách ông sẽ làm để buộc các đồng minh phải gánh vác chi phí quân sự mà Mỹ đã chịu suốt nhiều thập kỷ, hủy bỏ những hiệp ước mà ông cho là vô ích và định nghĩa lại khái niệm "đối tác của Mỹ".
Trump tuyên bố: Phần còn lại của thế giới sẽ phải học cách thích nghi với chủ trương của ông. Và ông sẽ chỉ duy trì các thỏa thuận hiện có nếu như các đồng minh ngừng lợi dụng cái mà ông gọi là "thời đại hào phóng của Mỹ".
Thậm chí, ứng viên đảng Cộng hòa còn khiến người ta băn khoăn, nếu trở thành Tổng thống, liệu ông có tự động gia hạn thỏa thuận đảm bảo an ninh cho 28 nước thành viên NATO hay không.
Ví dụ, khi được hỏi về tình hình tại các nước vùng Baltic - những thành viên mới gia nhập của NATO, Trump nói: Nếu Nga tấn công, ông sẽ quyết định hành động sau khi đánh giá xem các nước này "đã thực hiện đầy đủ bổn phận" với Mỹ chưa.
"Nếu họ thực hiện đầy đủ bổn phận với chúng ta, câu trả lời là có."
Lợi ích kinh tế
Tỷ phủ Mỹ thừa nhận, về cơ bản, chủ trương của ông đối với đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ khác với quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa. Từ khi kết thúc Thế chiến II , các ứng viên đảng này hầu như đều thúc đẩy đường lối theo chủ nghĩa quốc tế mà Mỹ giữ một vai trò không thể thiếu: "Nhân tố gìn giữ hòa bình".
Trump cũng lặp lại lời đe dọa rút quân Mỹ đang triển khai khắp thế giới về nước. "Chúng ta đang chi rất nhiều cho quân sự, để rồi đánh mất 800 tỉ USD", tỷ phú nhận định, "Chuyện này có vẻ không được khôn ngoan". Trump đang muốn nói tới cái mà ông gọi là "thất thoát thương mại" của Mỹ.
Theo quan điểm của Donald Trump, lợi ích toàn cầu của nước Mỹ đều được đo đếm và định nghĩa bằng các khái niệm kinh tế. Vai trò gìn giữ hòa bình, ngăn chặn vũ khí hạt nhân , hay bảo vệ đồng minh, tất cả đều không quan trọng bằng vấn đề lợi ích kinh tế của nước Mỹ.
Không có ứng viên Tổng thống nào của Mỹ trong thời kỳ hiện đại sắp xếp trật tự ưu tiên của nước Mỹ theo cách đó.
Donald Trump cũng cho rằng, việc triển khai lực lượng Mỹ ở nước ngoài không hẳn là cần thiết.
"Nếu muốn bảo vệ nước Mỹ, chúng ta luôn có thể triển khai quân ngay trên đất Mỹ. Như vậy sẽ đỡ tốn kém hơn".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự phản đối quan điểm này. Họ cho rằng nếu cần thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với Triều Tiên thì nên đặt ở Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiết kiệm chi phí hơn, nhờ những khoản hỗ trợ tài chính mà các quốc gia châu Á phải chi ra.
Không có tư cách
Cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là chủ đề được quan tâm trong cuộc phỏng vấn Trump.
Mỹ hiện đang duy trì một căn cứ không quân quan trọng tại Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, lực lượng Mỹ thực hiện các cuộc không kích IS. Căn cứ này còn là nơi tập trung các máy bay không người lái và khoảng 50 vũ khí hạt nhân.
Trump đã dành cho Tổng thống Tayyip Erdogan những lời khen ngợi. "Tôi đánh giá cao Erdogan vì ông ấy có thể khiến tình thế đổi chiều. Một số người bảo đó là dàn dựng. Tôi không nghĩ vậy".
Khi được hỏi liệu Erdogan có đang khai thác âm mưu đảo chính để loại bỏ các đối thủ chính trị không, Trump không lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ chế độ pháp quyền hoặc các chuẩn mực pháp lý phương Tây.
Nước Mỹ phải "giải quyết các vấn đề của mình" trước khi tìm cách thay đổi hành vi của các nước khác, Trump nói hôm 20/7.
"Tôi không nghĩ chúng ta có quyền rao giảng ở đây", tỷ phú Mỹ nhận định trong buổi phỏng vấn tại gia, "Hãy nhìn xem chuyện gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Chúng ta làm gì có tư cách lên giọng dạy dỗ khi mà những kẻ máu lạnh vẫn đang giơ súng bắn cảnh sát ".
Thực ra, quan điểm của Donald Trump về quyền phán xét của nước Mỹ không mới. Nga, Trung Quốc, Triều Tiên thường xuyên viện dẫn tình trạng bạo lực và mất trật tự trên đường phố Mỹ để khẳng định, nước Mỹ không có quyền phê phán họ.
Năm 1940, cụm từ "America First" được dùng để chỉ nhóm người phản đối Mỹ tham gia vào Thế chiến II trước khi sự kiện Trân Châu Cảng (7/12/1941) xảy ra.
Nhóm này cho rằng, có thể Đức sẽ không trực tiếp xâm lược Mỹ, nên cách giải quyết tốt nhất là Mỹ giữ vai trò trung lập, dù điều đó có nghĩa là đang thỏa hiệp với phe Quốc xã.
America First
"America First" (Nước Mỹ trước tiên/Ưu tiên nước Mỹ) là chủ đề của Donald Trump trong Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa, và cũng là chủ đề bài phát biểu ông trình bày trước cử tọa Mỹ 21/7.
Khẩu hiệu này từng được Trump nhắc tới trong một cuộc phỏng vấn, tuy nhiên, ông khẳng định mình không có ý dùng cụm từ này như cách của Charles A. Lindbergh và những người theo chủ nghĩa biệt lập trước kia.
"Đối với tôi, America First là một khái niệm hiện đại, hoàn toàn mới", ông nói, "Tôi chưa bao giờ liên hệ nó với quá khứ".
Khi được hỏi điều đó có ý nghĩa gì với mình, Trump ngừng lại trong giây lát.
"Chúng ta sẽ phải lo cho đất nước này trước đã", Trump nói, "Trước khi chúng ta bận tâm về những nơi khác trên thế giới".