Trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng “kính” tử vong

GD&TĐ - Ông Nguyễn Kim Hưng (Hưng “kính”) tử vong vào khoảng 11 giờ 31 phút ngày 14/8 chưa rõ nguyên nhân, thi thể đang được bảo quản tại nhà đại thể Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) và có lực lượng công an túc trực.

Trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng “kính” tử vong

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 14/8, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Kim Hưng nhập viện đêm 13/8. Bệnh nhân được chẩn đoán là xơ gan cấp, phù giai đoạn cuối vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, bụng chướng, mệt mỏi. Bệnh nhân đã được Khoa Cấp cứu tiếp đón và làm các xét nghiệm, sau đó cho nhập viện vào Khoa Nội tổng hợp, thời điểm 0 giờ 10 phút ngày 14/8.

“Khoa Nội tổng hợp đã tích cực chăm sóc điều trị đến khoảng 9 giờ – 10 giờ trưa 14/8 bệnh nhân có diễn biến bất thường. Khoa Nội tổng hợp đã mời các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực phối hợp cấp cứu trong vòng gần 2 tiếng nhưng không có kết quả. Bệnh nhân tử vong lúc 11 giờ 31 phút cùng ngày...”, bác sĩ Cường thông tin.

Bác sĩ Cường cũng cho biết, bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối và đã điều trị nhiều đợt. “Bệnh nhân chết do nguyên nhân gì phải đợi cơ quan chức năng kết luận, chứ còn khẳng định ngay do bệnh nền, chết trong tình trạng ngừng thở nhịp tim. Hiện thi thể của ông Hưng đang được quản tại nhà đại thể của Bệnh viện để chờ cơ quan chức năng khám nghiệm trước khi bàn giao cho gia đình và có lực lượng công an túc trực”, bác sĩ Cường nói.

Trước đó, ngày 26/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội). Các bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, Tổ trưởng Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”) và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”) bị đưa ra xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản. Nguyễn Kim Hưng đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù vì tội “Cưỡng đoạt tài sản” trong vụ án thu tiền “bảo kê” xảy ra tại chợ Long Biên.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu một án tuyên đã có hiệu lực pháp luật mà người thi hành qua đời thì sẽ đình chỉ việc thi hành án đối với người đó. Nếu trước đó, sau khi bản án sơ thẩm tuyên mà Hưng “kính” có đơn kháng cáo thì giờ cũng sẽ đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với người này. Việc đình chỉ thi hành án chỉ áp dụng đối với Hưng “kính”, còn với những bị cáo khác trong vụ án vẫn phải chấp hành hình phạt theo bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...