Truân chuyên đời muối

Truân chuyên đời muối

(GD&TĐ) - Những ngày này, hàng ngàn diêm dân ở khu vực Nam Trung bộ đã hối hả bắt tay ngay vào công việc vất vả của mình. Ở đó, trong cái nắng 36 độ của đất trời phía Nam, những giọt mồ hôi mặn chát, những đôi chân trần nặng nhọc giữa những mảnh ruộng ô vuông rộng mênh mông kèm theo đó là không ít niềm tin, hi vọng bởi với họ, trời càng nắng nóng, những mẻ muối càng kết tinh, khô nhanh hơn để có thêm những đồng tiền trang trải cuộc sống.

Vóc hạc sương mai trên đồng muối

Tôi đã đi qua vô vàn những cánh đồng muối dọc chiều dài ven biển. Có   một điều kỳ lạ là, làm muối là công việc vô cùng vất vả, cực nhọc nhưng đa phần diêm dân lại là phụ nữ. Rất ít khi, giữa cái nắng chang chang ấy, lại bắt gặp những đôi vai lực lưỡng đàn ông. Buổi trưa, giữa cái gió lồng lộng ở vùng biển Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận), ngồi trò chuyện cùng chị Phan Thị Nông, người gần 20 năm gắn bó với những ruộng muối, chị Nông bảo, mình quê ở thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) nhưng từ khi lấy chồng ở đây, nghề muối đã vận vào đời. Hàng ngày, từ bình minh cho tới nhọ mặt người, chị đều có mặt ở trên đồng muối này. 

“Thoạt nhìn qua, nhiều người cứ nghĩ nghề làm muối đơn giản bởi chỉ cần bơm nước biển vào ruộng rồi đợi cho chúng bốc hơi hết là có thể xúc muối mang… đi bán được. Thế nhưng, nghề muối không đơn giản thế và công việc chính của người diêm dân chính là cải tạo ruộng muối” - chị cười giải thích. Theo đó, trên nền bùn đất, diêm dân phải lấy dụng cụ làm nén để đất có thể cứng như… xi-măng thì muối mới có thể kết tinh, tạo thành từng mảng lớn được nếu bùn, bụi bẩn còn thì chất lượng muối sẽ kém đi rất nhiều. Ngày nay, một số nơi diêm dân dùng bạt, vải ni-lông chống thấm để làm muối. Nhưng ở Tuy Phong, diêm dân không làm vậy vì chi phí rất cao, không có lãi. Nếu muối thu hoạch mà bán chậm thì còn lỗ và thực tế, những nơi dùng bạt làm muối phần lớn là những công ty, nơi mà họ gần như bao tiêu sản phẩm của chính mình. Trong khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch, diêm dân cũng thường xuyên ở bên ruộng muối của mình để kiểm tra chất lượng muối, tránh bị những tạp chất khác lẫn vào.

Đồng muối của diêm dân Tuy Phong (Bình Thuận)
Đồng muối của diêm dân Tuy Phong (Bình Thuận)     

Trong khoảng hơn 100 km chiều dài bờ biển Bình Thuận, từ vùng Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo cho tới La-Gi, Hàm Tân có đến non nửa là cánh đồng muối. Nhưng các đồng muối lớn nhất hầu hết tập trung ở huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc… Suốt một ngày rong ruổi trên những cánh đồng muối ấy, tôi chỉ gặp hầu hết là phụ nữ. Những người phụ nữ lặng lẽ gánh trên vai những gánh muối trắng tinh tươm nhưng mồ hôi và nước mắt, nhiều khi còn mặn hơn cả những hạt muối ấy. 

Chị Tiềm, một diêm dân ở Chợ Lầu (Bắc Bình) tâm sự: Nghề muối vất vả lắm. Hàng ngày, chúng tôi phải gánh khoảng trên 200 gánh muối từ đây về với quãng đường chừng 50 mét. Nếu tính cộng lại, mỗi ngày có hàng chục tấn muối đã đi qua đôi vai gầy này. Nhưng vất vả không phải là điều duy nhất những nữ diêm dân này phải gánh chịu. Với mỗi phụ nữ, nhan sắc tàn phai là mối lo sợ thường trực mà muối mặn là kẻ thù tàn phá nhan sắc, tuổi xuân dữ dội nhất. Chị Tiềm bảo, muối mặn lắm, nó ngấm vào chân, tay và da dù đã mặc quần áo dày, quấn thêm bao găng ở ngoài vẫn bị. Mỗi hôm gánh muối xong về nhà, những lớp da lại bong chóc ra, bủng beo nhìn rất hãi. Thú thực, khi ấy chỉ biết giấu chồng con khóc thầm chứ chẳng biết làm sao nữa. Lâu dần rồi giờ đã quen, chả còn nghĩ gì đến chuyện nhan sắc nữa mà chỉ mong làm sao hết ngày, có tiền công mang về nuôi con là được.

Vị mặn truyền đời

Một mẻ muối kể từ khi bắt đầu hút nước biển vào cho tới lúc bán được hạt muối kéo dài khoảng từ 7 đến 10 ngày, tùy theo trời nắng tốt hay không. Sản lượng muối cũng vào khoảng từ 5 - 8 tấn/ha với giá bán muối thô tại ruộng chừng 1.200 đ/kg nên thu nhập của diêm dân, từ đầu năm tới nay cũng có lãi. Hơn nữa, ở Bình Thuận hiện nay mặc dù vẫn còn đang mùa xuân nhưng thời tiết đã rất nóng, phù hợp với công việc làm muối. Nhưng điều quan trọng nhất để diêm dân ở đây gắn bó với nghề, bởi đây gần như là nghề truyền thống, cha truyền con nối và đã nuôi sống bao thế hệ diêm dân rồi.

Truân chuyên đời muối ảnh 2
Để làm ra được hạt muối người làm phải vắt kiệt mồ hôi  Ảnh: Minh Thành

Anh Hoàng Văn Phước, một người làm muối ở xã Chí Công (Tuy Phong) nói như một thi sĩ: Với diêm dân chúng tôi, trách nhiệm làm ra hạt muối, vị mặn cho cuộc đời đã được truyền từ đời này sang đời khác, ăn vào máu của mình mất rồi. Từ khi còn là cậu bé chập chững biết đi, trên những bờ ruộng rắn như gạch nung tôi đã chạy tung tăng cùng cha mẹ. Khi ấy, muối còn rất hiếm và việc làm muối cũng  nhọc nhằn hơn bây giờ do chưa có hệ thống máy bơm, kênh rạch để đưa nước biển vào mà hoàn toàn dựa vào thủy triều. Mà thủy triều, một tháng mới có 2 đợt nên sản lượng muối làm ra rất ít, chưa kể trong thời gian một tuần lễ đó, nếu có một cơn mưa thì coi như bao công sức đều uổng phí cả.

Không chỉ riêng gia đình anh Phước mà với nhiều người dân ở đây, làm muối thực sự là một nghề truyền thống, thậm chí là vài ba đời cùng làm muối. Với họ, những con người sinh ra, lớn lên ở giữa biển xanh, cát trắng và cái nắng cháy tự biết mình phải có trách nhiệm chắt chiu cho đời những hạt muối mặn như thế. Nó không đơn thuần chỉ là một cái nghề mưu sinh mà còn như một sự trả ơn với biển cả và cuộc đời vậy. Mặc dù là một trong những nghề thuộc loại bấp bênh nhất nhưng với họ, những con người nhỏ bé ngày ngày lặng lẽ trên những cánh đồng muối ấy.  

Giữa mênh mông những cánh đồng thẳng cánh cò bay thế kia, không ai có thể để muối hay làm nhà cất giữ nổi. Chỉ có thể che sơ sài bằng những lớp rơm mềm mỏng mảnh tránh những cơn mưa thoáng qua hay gió thổi mà thôi. Có lẽ, chính vì nhẽ đó mà diêm dân luôn nhận sự thua thiệt về mình, dù bản thân họ mới là người quyết định.

Mặc dù đã bước lên đường quốc lộ nhưng hình ảnh những con người bịt kín từ đầu tới chân đang lầm lũi kéo những chiếc cào trên đồng muối cứ làm mình ám ảnh khôn nguôi. Ở đó, ngoài những hạt mặn tinh khiết, còn thấy những cuộc đời mặn chát hòa lẫn trong những giọt mồ hôi thấm đầy lưng áo vải.

Muối mặn thì ai cũng biết nhưng có những mảnh đời, ngay trên đồng muối ấy còn có những nỗi vất vả cùng giọt mồ hơn mặn hơn cả… muối thì có lẽ ít người biết. Ở đó, cái điệp khúc như một vòng luẩn quẩn đau lòng là cứ thời tiết tốt, sản lượng muối thu hoạch cao cũng là lúc giá muối hạ thấp bởi các tư thương luôn tìm đủ mọi cách để ép giá diêm dân. Không như những hàng hóa khác, người ta có thể mang tới chỗ này, chỗ kia để bán hoặc để dành một thời gian, với những người diêm dân, sau mỗi mẻ muối họ thường phải bán luôn, dù là mười hay hai mươi tấn để nhường mặt bằng ruộng cho những mẻ muối sau. 

Đoàn Xá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ