Trồng thêm một triệu cây, Hà Nội có “xanh” hơn?

GD&TĐ - Sau gần 3 năm triển khai, chương trình trồng một triệu cây xanh của Hà Nội đã hoàn thành vào những ngày cuối cùng của năm 2018. Diện mạo, cảnh quan đô thị của Thủ đô khởi sắc, bồi đắp thêm niềm tin trong nhân dân về một thành phố xanh - sạch - đẹp.

Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội làm việc trong đêm thực hiện dự án trồng một triệu cây xanh
Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội làm việc trong đêm thực hiện dự án trồng một triệu cây xanh

Trồng mới trên 300 tuyến phố, khu vực

Tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số, phương tiện giao thông… khiến Hà Nội ngày càng trở nên ngột ngạt. Để cải thiện cảnh quan đô thị, môi trường sống, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát động mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2016. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện chương trình được gửi gắm nhiều kì vọng này.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty, đến nay, hệ thống cây xanh của Hà Nội được phủ kín trên 843 tuyến đường phố thuộc 12 quận nội thành. Tổng cộng có khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật; trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên đã được trồng mới. Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã trồng, chỉnh trang cây xanh trên 300 tuyến phố, tuyến đường, khu vực trên địa bàn thành phố. Với nhiều loại cây, trong đó có một số loài cây được coi là cây truyền thống của Hà Nội được trồng với số lượng lớn như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, lim xẹt, chẹo, phượng vĩ…

Cùng với đó, một số chủng loại mới, nhiều cây có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái như: Sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, phong lá đỏ…cũng đã được trồng. “Như vậy, trong gần 3 năm, công ty đã trồng khoảng 6.000 cây đường kính lớn, trên 50.000 cây hoa, cây cảnh khó và gần 90.000 m2 thảm hoa, thảm cây lá màu. Vượt tiến độ chương trình trước 1 năm…”, ông Mạnh nói.

Đường mở tới đâu, cây trồng đến đó

Theo đại diện lãnh đạo Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng mới và chỉnh trang cây xanh, quan trọng nhất là có sự ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cán bộ, công nhân viên công ty. Chương trình trồng một triệu cây xanh được triển khai thi công tại nhiều tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông rất cao như Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khánh Toàn, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Chí Thanh, Trung Kính… hay những tuyến phố cổ chật hẹp, có mật độ dân cư lớn…Vì vậy, theo ông Mạnh, hầu hết cán bộ, công nhân của công ty chủ yếu đi làm vào ban đêm.

Riêng tuyến trong phố cổ (quận Hoàn Kiếm) tuy là trồng bổ sung nhưng lại là tuyến phố khó khăn nhất trong việc thực hiện chương trình. Trên 152 tuyến giao thông chính ở 3 khu vực phố cổ, phố cũ và phố mới ngoài đê thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, việc trồng cây gì, thời gian trồng… cũng phải cân nhắc, nghe ngóng phản ứng của nhân dân. Bởi các tuyến phố có lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội và hiện còn lưu giữ được nhiều nét cảnh quan đặc trưng của Hà Nội qua các thời kỳ.

“Sau khi tham khảo các chuyên gia kinh tế, lắng nghe ý kiến của nhân dân, công ty đã quyết định trồng cây lộc vừng trên tuyến phố cổ và nhận được sự ủng hộ của người dân. Đến nay, 76 tuyến phố cổ đều được trồng bổ sung cây lộc vừng cùng với 1.500 cây bóng mát đường kính lớn …” - ông Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.

Sau chương trình trồng một triệu cây xanh, Hà Nội tiếp tục phát động trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020. Riêng trong năm 2019, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội sẽ thực hiện công tác phủ xanh, tiến tới trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh làm đẹp các tuyến phố. Một số tuyến đường công ty sẽ hoàn thiện cây xanh như Hoàng Sa, Trường Sa (huyện Đông Anh); các tuyến đang cắt xén vỉa hè, dải phân cách trên địa bàn các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… 

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 4057/SNN-KL, chỉ đạo, đôn đốc các quận, huyện, thị xã triển khai “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Theo đó, các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ vào thực tế địa phương triển khai tổ chức phát động Tết trồng cây, từ ngày 8 - 16/2 (tức ngày mùng 4 - 12 tháng Giêng âm lịch). Thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ Xuân (từ tháng 2 - 4/2019) và vụ Thu (từ tháng 8 - 10/2019).

Trong thời gian phát động tuỳ khả năng và địa bàn của từng địa phương đơn vị có thể trồng từ 200 - 500 cây bóng mát, ăn quả, cây lấy gỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ