Trông người lại ngẫm đến ta

Trông người lại ngẫm đến ta

(GD&TĐ) - Những ngày qua, vụ việc của Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) được ví như cơn địa chấn trong xã hội Việt Nam, động chạm đến nhiều vấn đề: Y đức, nhân tính… Tuy nhiên, có thể thấy ngay việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến hệ quả không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an. Ảnh: Việt Dũng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an. Ảnh: Việt Dũng/VnExpress

1. Thẩm mỹ viện Cát Tường được Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 3/5/2013, hành nghề kinh doanh là dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại, phẫu thuật tạo hình.

Theo quy định, thẩm mỹ viện này phải làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế để được xét duyệt cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, chủ cơ sở đã bỏ qua bước này, đi vào hoạt động ngay, và hoạt động “chui” cả những lĩnh vực bị cấm thực hiện kể cả với các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép đủ điều kiện, đó là hút mỡ và nâng ngực. 

Hậu quả là một phụ nữ trẻ đã tử vong sau khi được hút mỡ và nâng ngực tại phòng khám này. Bi kịch hơn, sau khi xảy ra sự việc, giám đốc thẩm mĩ viện Cát Tường (vốn là một bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai), đồng thời cũng là bác sĩ thực hiện phẫu thuật,  đã tìm cách ném xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang.

Vụ việc xảy ra, các bộ phận mới ngồi lại họp bàn kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan để làm rõ trách nhiệm. Mới thấy ngay rằng, có quá nhiều kẽ hở vẫn đang tồn tại, mà trước hết là sự thiếu vắng trong liên thông, phối hợp xử lý vụ việc.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đã phải thừa nhận: Khi ngành Y tế cấp giấy phép hành nghề thì gửi danh sách cho quận huyện, ngược lại quận huyện khi cấp giấy phép kinh doanh cũng thông báo để Sở Y tế theo dõi, giám sát. Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, sơ suất là không có sự thông báo, trao đổi giữa các đơn vị 

2. Theo dõi vụ việc lùm xùm của ngành Y tế, nhìn sang địa phận Giáo dục, cũng thấy có điều đáng suy ngẫm. Đó là hồi chuông reo vang cảnh báo về việc tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến giáo dục trên địa bàn. Những lĩnh vực liên quan đến con người như giáo dục càng cần một thái độ, trách nhiệm cao trong việc thẩm định, sát sao theo dõi các hoạt động.

Nhìn xa hơn, các nhà quản lý khi thấy những bất cập trong thực tiễn phải suy xét, tính đếm, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, đừng ngồi đó nhắm mắt dựa vào luật quy định như thế này, thủ tục đặt ra thế kia... mà cứng nhắc trong thực hiện. Nếu những kẽ hở trong việc thành lập, hoạt động các trung tâm của ngành Y tế được bù lấp kịp thời, đã không có sự vụ đáng tiếc chết người như tại TMV Cát Tường.

Nhiệm vụ của người đứng đầu một tổ chức là tìm ra những lỗ hổng luật định, thủ tục, những phiền hà, thừa thãi trong quy trình giấy tờ… cần cân nhắc soi xét trong thực tiễn, từ đó có những đề nghị với các cấp có thẩm quyền, giải quyết cho toàn bộ hệ thống không có khoảng trống quyền lực, không có sự trùm lấp về chức năng; vừa tạo thông thoáng, vừa chặt chẽ tạo không gian phát triển một cách lành mạnh. Có như vậy mới ngăn chặn được những vi phạm mới manh nha. Và khi có sự vụ xảy ra có thể xử lý ngay, dứt điểm, rõ ràng.

Học Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ