Trọn một chữ tâm

GD&TĐ - Trong lúc nguy nan nhất, nữ giáo viên chủ nhiệm đã quên đi sự hiểm nguy cố ngăn kẻ giết người lao về phía học trò của mình. Khi phát hiện học sinh gục xuống do những nhát dao oan nghiệt của hung thủ, cô giáo chỉ biết ôm lấy cơ thể bé bỏng ấy và bế xốc em đưa đi cấp cứu, mà không hề biết mình cũng  bị thương...

Dù vết thương chưa lành, cô Thanh xin ra viện để lên lớp, động viên học trò. Ảnh: T.G
Dù vết thương chưa lành, cô Thanh xin ra viện để lên lớp, động viên học trò. Ảnh: T.G

Gia cảnh éo le

Sau hai tuần xảy ra sự việc đau lòng khiến 1 HS tử vong, 4 em khác và 1 GV bị thương, chúng tôi quay lại Trường Tiểu học Đồng Lương huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), để thăm các em học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp 5A. Thầy giáo Lê Thiên Quang - Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi tới thăm nhà cô giáo Trần Thị Thanh.

Cô giáo Thanh quê ở xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Cách đây 18 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH, cô Thanh tình nguyện lên nhận công tác ở Trường Tiểu học Tam Văn (Lang Chánh) - cách trung tâm huyện hơn 20 km. Đến năm 2009, ngành Giáo dục huyện Lang Chánh điều động cô về dạy ở Trường Tiểu học Đồng Lương. Năm 2018, mặc dù huyện Thiệu Hóa đã đồng ý tiếp nhận cô chuyển về một trường ở quê nhà để công tác, nhưng do vấn vương với lũ trò nhỏ, cô Thanh xin được ở lại với ngôi trường mình đã gắn bó 10 năm nay.

Ngôi nhà của cô giáo Thanh nằm ở thôn Cốc Mốc (Đồng Lương) sát với quốc lộ 15A. Ngôi nhà được xây dựng kiên cố, nhưng bên trong chỉ có một chiếc bàn nhỏ dùng làm bàn học, một giá sách liền bàn - là nơi soạn giáo án của cô Thanh. Thấy chúng tôi đến thăm, cô quýnh quáng đi lấy nước mời khách. Đưa mắt về phía bàn thờ của người chồng quá cố, cô Thanh cất giọng nghèn nghẹn. “Khi đang làm nhà thì anh ấy bỏ lại hai mẹ con, rồi ra đi. Toàn bộ hệ thống cửa và vôi ve của căn nhà đều do bạn bè anh ấy đến giúp. Các bác và thầy giáo thông cảm. Nhà chỉ có hai mẹ con, lại còn nhiều khoản nợ nần, nên cũng chưa mua sắm được bộ bàn ghế cho ra hồn để mời khách ngồi”.

Nhiều lúc nghĩ về thân phận của mình, cảm thấy tủi lắm. Năm 2018, dù trong tay đã cầm quyết định chuyển về xuôi, nhưng trong lòng cứ nghĩ đến học trò ở vùng khó khăn này, tôi thương chúng quá. Dù cuộc sống gia đình còn rất khó khăn, nghèo khổ nhưng đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, nên mình coi chúng như con. Vì lẽ đó, tôi quyết định xin ở lại trường, chứ không chuyển về xuôi nữa.  Cô Trần Thị Thanh

Cuộc sống của hai mẹ con cô giáo Thanh hiện tại mới gọi là đủ ăn. Bởi lẽ, từ khi chồng cô qua đời, bỏ lại nhiều khoản nợ nần cho vợ con, do phải vay mượn để dựng nhà ở. Hai mẹ con cô giáo Thanh bấu víu vào nhau để sinh sống bằng đồng lương giáo viên hằng tháng. Bé Nguyễn Ngọc Minh Tâm - con gái cô Thanh năm nay mới học lớp 3, nên cũng chưa giúp đỡ được mẹ công việc gì. “Lương của tôi hiện tại mới hưởng mức 3,66, nên mỗi tháng cũng phải tằn tiện để chi tiêu. Con gái lớn năm nay đang học lớp 11, nhưng tôi phải gửi cháu học ở dưới quê và ở cùng với bà ngoại. Vì thế, mỗi tháng phải trích lương, gửi về cho con 3 triệu đồng để cháu ăn, học và chi tiêu. Số tiền lương còn lại, một phần trừ vào tiền vay ngân hàng, rồi dư bao nhiêu thì để dành hai mẹ con chi tiêu trong tháng” - cô Thanh tâm sự.

Nhớ ánh mắt, nụ cười của học trò xấu số

Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh - Thanh Hóa). Ảnh: T.GD
Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh  - Thanh Hóa).    Ảnh: T.GD 

Nhớ lại những ngày đầu đến lớp sau vụ học sinh của mình bị kẻ giết người lấy đi sinh mạng, trong lòng cô giáo Thanh vẫn không thể kìm nén được cảm xúc. “Sau khi nằm viện được hai ngày, thấy vết thương ở tay trái có chiều hướng tích cực, tôi đã xin bác sĩ cho xuất viện về nhà để lên lớp với học sinh của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng, sự việc xảy ra quá kinh hoàng, khiến học sinh lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Nếu mình không cố gắng lên lớp, để động viên các em, thì chúng sẽ không yên tâm học được.

Vì vậy, tôi xin nhà trường cứ cho tôi lên lớp dạy bình thường. Thế nhưng, đứng trên bục giảng, ánh mắt tôi lại nhìn về chỗ ngồi của Phước. Có lúc, trong khi giảng bài, gọi học sinh phát biểu, tôi lại gọi nhầm “bạn Phước”. Rất nhiều lần học sinh của mình phải nhắc, “cô ơi, bạn Phước không đi học được nữa”, thì tôi giật mình và bật khóc. Thấy cô giáo như vậy, một số học sinh cũng khóc theo. Tình trạng ấy kéo dài mấy buổi học, tôi mới trấn an được hoàn toàn. Dù đã nửa tháng trôi qua, mỗi khi lên lớp, tôi vẫn không thể tránh được ánh mắt của mình hướng về chỗ ngồi của em học trò đáng thương, xấu số” - cô Thanh vừa khóc, vừa nói.

Thầy giáo Lê Thiên Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương, chia sẻ: “Cô giáo Trần Thị Thanh là một giáo viên giàu nghị lực, có tâm huyết với nghề và luôn luôn hết lòng yêu thương học trò như những đứa con của mình vậy. Hôm xảy ra tai họa, cũng vì lo cứu học trò, mà cô không hề biết bàn tay trái của mình bị lưỡi dao của kẻ giết người đâm trúng. Mãi khi ôm em Phước vào bệnh viện, các bác sĩ phát hiện ở bàn tay trái của cô có máu phun ra, liền vội đưa cô vào phòng cấp cứu để khâu vết thương. Đến lúc đó, cô Thanh mới biết, gân ngón tay trỏ trái gần đứt”.

Cũng theo thầy Quang, lớp 5A do cô giáo Thanh làm chủ nhiệm, luôn có nhiều học sinh giỏi cấp trường và cấp huyện. Mỗi năm, trong các kỳ giao lưu học sinh cấp huyện, đều có từ 5 đến 10 học sinh lớp do cô giáo Thanh phụ trách tham gia. Cô giáo Thanh cũng là người luôn tự bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế chuyên môn, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường. Tích cực đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, trung thực và luôn giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều năm qua, cô giáo Trần Thị Thanh là một giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và đạt được nhiều giải sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, cấp tỉnh. “Năm học 2018 - 2019, lớp học do cô Thanh làm chủ nhiệm đạt 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 82,4% học sinh đạt tốt về năng lực và phẩm chất, không có học sinh xếp loại cần cố gắng. Trong đó, có 9 học sinh đạt giải trong hội thi giao lưu học sinh cấp huyện, thì có 2 giải Nhất, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Lớp học do cô Thanh phụ trách đạt danh hiệu xuất sắc... do đó, cô giáo Trần Thị Thanh đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay, nhà trường đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề nghị ngành Giáo dục tuyên dương cô giáo Thanh” - thầy Quang cho biết thêm.

Chia tay cô giáo Thanh và Trường Tiểu học Đồng Lương, trong tâm tôi thầm nghĩ, nếu không có những giáo viên luôn hết lòng vì học sinh thân yêu của mình thì những em ở vùng đất khó khăn ấy, không biết chúng sẽ như thế nào?Xin cảm ơn tấm lòng của cô giáo chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Đồng Lương, mong cô luôn có sức khỏe, trí tuệ và luôn là người giáo viên tâm huyết với nghề, để tiếp tục dạy dỗ cho các thế hệ học sinh nghèo ở vùng đất khó khăn ấy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ