Ngồi trước cổng Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, ông Hoàng vẻ mặt khổ sở hai tay ôm khư khư chiếc túi trước ngực. Người đàn ông hơn 50 tuổi quê ở Đăk Lăk cho biết toàn bộ số tiền gần 8 triệu đồng dành dụm suốt năm qua để đi chữa bệnh đã mất sạch.
"Tôi nhớ khi đang đứng chờ mua sổ khám bệnh thì bị ai đó xô một cái suýt ngã, sau đó phát hiện túi đã bị mở khóa và cái ví không còn. Giờ chẳng biết lấy tiền đâu chữa bệnh", ông thuật lại.
Chị Dung 27 tuổi đến Bệnh viện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, mổ u xơ tử cung cũng bị kẻ gian lấy mất chiếc ví trong đó có gần 20 triệu đồng tiền mặt, thẻ ngân hàng và nhiều giấy tờ tùy thân.
Ngồi tần ngần suy nghĩ lại, bệnh nhân này cho rằng nhiều khả năng đã bị một người đàn bà móc túi trong lúc chờ tới lượt: "Tôi đeo ba lô ở sau lưng thì bị bà ấy đẩy mạnh.
Lúc đó tôi chỉ thấy bực mình chứ không mảy may nghi ngờ gì, 10 phút sau kiểm tra mới thấy ba lô đã bị mở khóa ngoài". Chị Dung đã mang khối u xơ tử cung lớn, nay phải tái khám để phẫu thuật nhưng đành ra về vì không còn tiền.
Trước tình trạng trộm cắp hoành hành ở bệnh viện dịp cận Tết khiến nhiều bệnh nhân và thân nhân mất tiền bạc đồ đạc, nhiều cơ sở y tế đã tăng cường các biện pháp giám sát an ninh, hướng dẫn người dân đề phòng kẻ gian lấy cắp tài sản.
Hầu hết bệnh viện lớn đều lắp đặt camera tại khu vực chung và các phòng khoa, đồng thời tăng cường nhân viên bảo vệ tuần tra ngày đêm, công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh...
Một nhân viên bảo vệ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của bệnh nhân về những vụ mất trộm tài sản trước cổng và trong khuôn viên bệnh viện cũng như tại các phòng khoa.
Thủ đoạn chung của kẻ gian là rảo quanh các khu vực đợi lúc bệnh nhân và người nhà ngủ hoặc sở hở sẽ ra tay lấy trộm túi, điện thoại. Kẻ xấu còn giả làm bệnh nhân lân la hỏi chuyện làm quen và móc túi.
Những trường hợp không quen biết, kẻ gian thường tạo ra một va chạm nhỏ để tranh thủ rạch túi hoặc "thó" ví của nạn nhân. Sau khi lấy sạch tiền trong ví, chúng còn liên lạc với nạn nhân để trả lại giấy tờ và đòi tiền chuộc.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đã dán ảnh của nhiều kẻ gian ở bảng Thông tin an ninh trật tự ngay hành lang ra vào để bệnh nhân và thân nhân dễ dàng nhận diện.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng tổ Bảo vệ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thông thường vào dịp cật Tết bệnh viện ghi nhận nhiều vụ mất trộm, móc túi thông qua phản ánh của người dân.
Bệnh viện phải tăng cường số nhân viên bảo vệ mặc thường phục tuần tra thường xuyên ở tất cả các vị trí trong song vẫn không hiệu quả.
Gần đây tổ bảo vệ phải cắt cử nhân viên đứng chốt ở tất cả phòng khoa và khu vực công cộng nơi tập trung đông người để nhắc nhở bệnh nhân cùng người thân chú ý quản tài sản cá nhân, cảnh giác kẻ gian lừa đảo, móc túi. Nhờ vậy số vụ trộm cắp đã giảm đáng kể.
Ông Sơn cho biết, nhân viên bảo vệ nội bộ bệnh viện cũng được đào tạo và nhắc nhở chủ động hỗ trợ bệnh nhân đến điều trị, không để những tay cò bệnh viện hay kẻ gian lợi dụng sơ hở chiếm đoạt tài sản.
"Chúng tôi thường xuyên quan sát qua camera, nếu phát hiện kẻ tình nghi sẽ theo dõi và truy bắt khi chúng ra tay móc túi. Dù vậy bệnh nhân đến khám quá đông, mỗi ngày có hàng nghìn lượt nên khó kiểm soát hết tình hình, người bệnh nên tự bảo vệ tài sản của mình", ông Sơn cho biết.
Bắt kẻ trộm tại Bệnh viện Chợ Rẫy